|
Bất đồng số tiền hợp tác
Công văn nêu hợp đồng giữa RIAV về quyền sử dụng các bản thu âm trên những website: nhacvui.vn (thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24h), nhaccuatui.com (Công ty cổ phần NCT), nhacso.net (Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT - FPT Online) đã kết thúc.
Sau khi đàm phán hợp tác tiếp tục, các đơn vị này tỏ ý không muốn sử dụng kho nhạc của RIAV nữa. Vì thế, phía RIAV đã yêu cầu các đơn vị này gỡ toàn bộ kho nhạc của RIAV trên website của họ.
Thế nhưng, trên website của ba đơn vị này cho đến tháng 11 vẫn còn kho nhạc, nghĩa là "vi phạm bản quyền".
Trả lời Thanh Niên Online chiều 22.11, bà Trương Thị Thu Dung cho biết sau khi công văn được gửi đi, các trang nhạc số kể trên cũng chỉ hạ một số bài hát không "hot" cho có lệ.
"Nếu họ làm đúng quy định, hạ hết các bài hát vi phạm bản quyền với RIAV thì chắc chắn website sẽ rất trống vì hầu như toàn bộ kho nhạc Việt Nam hơn 60.000 bài thì chúng tôi đã giữ bản quyền khai thác của hơn 40.000 bài rồi", bà Dung khẳng định.
Tuy nhiên, bà Dung cũng xác nhận thêm rằng vào tháng 7.2013, RIAV đã chuyển lại kho nhạc cho Công ty cổ phần Vina Game (VNG) độc quyền khai thác.
"Do RIAV có khá nhiều lĩnh vực nên trước đây, chúng tôi cũng từng đặt vấn đề với nhaccuatui.com và một số đơn vị khác để ủy quyền khai thác kho nhạc nhưng chưa đi đến thỏa thuận. Đến tháng 7.2013, chúng tôi mới chính thức ký kết với Công ty VNG. Theo đó, VNG sẽ thay mặt RIAV khai thác kho nhạc này", bà Dung chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đơn vị “bị tố” cho rằng mức giá mới mà RIAV đưa ra cao hơn mức giá cũ, cộng thêm nhiều điều khoản mới nên họ không đồng ý hợp tác tiếp.
Lý giải về việc này, bà Dung cho biết: Sở dĩ có việc tăng giá là do trước đây, các đơn vị chỉ khai thác nhạc chuông, nhạc chờ, bây giờ họ lại có thêm nhiều hình thức khai thác khác nên mức giá không thể nào giữ như cũ được.
85% doanh thu chia cho đơn vị sản xuất âm nhạc
Tiết lộ thêm về thỏa thuận chi phí giữa RIAV và các trang nhạc số, bà Dung cho biết: "Trước đây, mỗi tháng hoặc mỗi quý, chúng tôi khoán cho các trang nhạc số một mức giá nhất định. Số tiền này còn tùy thuộc vào website đó lớn hay nhỏ. Ví dụ chúng tôi đưa ra danh mục các bài hát, phía website yêu cầu 5.000 bài thì họ được quyền khai thác 5.000 bài đó như thế nào để mỗi tháng trả lại cho chúng tôi 30-50 triệu đồng. Với kiểu khoán như thế này, nếu website khai thác được nhiều hơn thì họ lời, ít hơn thì họ chịu", bà Dung bật mí.
Bà Dung cho biết từ tháng 7.2013 đến nay, bà đã nhiều lần gọi điện thoại cho các đại diện của ba đơn vị kể trên nhưng họ đều tìm cách trì hoãn và vẫn để các ca khúc trên website của mình.
"Đây đều là ba trang nhạc số lớn. Nếu không làm việc rõ ràng thì những trang nhạc khác rất dễ "noi" theo. Khi đó, các nhà sản xuất "chết" thì sao?", bà Dung chia sẻ.
Theo đại diện của RIVA, số tiền thu được từ việc khai thác kho nhạc sẽ được chia lại cho chủ sở hữu bản ghi (thường là các đơn vị sản xuất âm nhạc) 85% trên tổng doanh thu. 15% còn lại, RIAV giữ để duy trì hoạt động các văn phòng.
Thiên Hương
>> Nước ngoài lấn sân thị trường nhạc số
>> Nhiều trang nhạc số bắt đầu thu phí tải nhạc
>> Microsoft công bố dịch vụ nhạc số Xbox Music
>> Thu phí nhạc số: Những "phát súng" mào đầu
>> Thu phí nhạc số: “Có tóc” hứng khởi, “trọc đầu” nín thinh
>> YouTube mua công ty nhạc số RightsFlow
>> Thời của nhạc số
Bình luận (0)