3 triệu chứng tiêu hóa cảnh báo cơ thể thiếu chất kẽm

17/01/2025 07:57 GMT+7

Chất kẽm tham gia vào rất nhiều chức năng của cơ thể, từ hoạt động của hệ miễn dịch đến quá trình làm lành vết thương. Cơ thể không thể dự trữ kẽm nên cần nạp thường xuyên. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe.

Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa, người ăn chay và người lớn tuổi là những nhóm có nguy cơ bị thiếu kẽm cao nhất. Trẻ em bị thiếu kẽm sẽ phát triển còi cọc và dẫn đến gặp các vấn đề về rối loạn miễn dịch, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

3 triệu chứng tiêu hóa cảnh báo cơ thể thiếu chất kẽm- Ảnh 1.

Tôm hùm, hàu, cua là những món giàu kẽm

ẢNH: AI

Thiếu kẽm sẽ dẫn đến những vấn đề tiêu hóa sau:

Tiêu chảy

Một trong những cái dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng thiếu kẽm là bị tiêu chảy. Tiêu chảy do bệnh tiêu hóa thì sẽ khỏi sau khi dùng thuốc. Tuy nhiêu, tiêu chảy do thiếu kẽm lại kéo dài và tái phát. Người mắc sẽ không hiểu nguyên nhân vì sao tiêu chảy lại kéo dài như vậy. Nguyên nhân là do thiếu kẽm làm giảm khả năng phục hồi niêm mạc ruột và giảm khả năng hấp thụ nước của hệ tiêu hóa.

Buồn nôn

Thiếu kẽm có thể làm giảm chức năng tiêu hóa, gây ra cảm giác buồn nôn hoặc khó tiêu. Điều này là do niêm mạc dạ dày và ruột bị ảnh hưởng khi thiếu kẽm, khiến quá trình tiêu hóa bị gián đoạn.

Trên thực tế, kẽm là thành phần quan trọng của nhiều enzyme tiêu hóa, đặc biệt là các enzyme tham gia vào quá trình phân hủy thức ăn trong dạ dày và ruột. Các enzyme này giúp phân giải các chất dinh dưỡng, làm cho cơ thể dễ dàng hấp thụ chúng hơn. Ví dụ enzyme amylase giúp phân giải tinh bột thành đường, trong khi enzyme protease giúp phân hủy protein thành các amino acid.

Mất cảm giác thèm ăn

Mất cảm giác thèm ăn có thể đi kèm với suy giảm khứu giác và vị giác. Người mắc sẽ có các triệu chứng tương tự như chán ăn. Điều này là do kẽm cũng góp phần vào chức năng duy trì vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm khiến các chức năng này bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng mất cảm giác thèm ăn.

Để tránh tình trạng thiếu kẽm, mọi người cần thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu kẽm như hàu, tôm hùm, cua, thịt bò, gà và lợn. Ngoài ra, các loại thực vật như hạt điều, hạnh nhân, đậu gà và đậu thận cũng giàu kẽm, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.