30 năm sống 'tạm' trên sông Tam Bạc

08/04/2015 10:01 GMT+7

Bên cửa sông Tam Bạc, Hải Phòng có một xóm nghèo của những người dân tứ xứ, sống trong cảnh cơ hàn, thiếu thốn và vô định về tương lai đã 30 năm nay.

Bên cửa sông Tam Bạc, Hải Phòng có một xóm nghèo của những người dân tứ xứ, sống trong cảnh cơ hàn, thiếu thốn và vô định về tương lai đã 30 năm nay.

30 năm sống 'tạm' trên sông Tam BạcCháu Lê Thị Vân , 4 tuổi, con ông Lê Văn Huệ ngày ngày chỉ ở trên thuyền chơi với chó, gà… - Ảnh: Lê Tân
Theo thống kê của UBND P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng, xóm nghèo có 32 hộ, 72 nhân khẩu, sống trên khoảng 40 chiếc thuyền lớn nhỏ. Cư dân trong xóm đa phần xuất thân là dân chài và đều không có nhà cửa. Họ nghèo nhưng rất đông con. Gia đình ông Lê Văn Huệ và bà Trần Thị Lan, quê Hải Dương mới ngoại tứ tuần nhưng đã có tới 7 người con. Gia đình ông Vũ Văn Quế (45 tuổi, quê Hưng Yên) cũng có đến 5 đứa con, cả nhà ở trên 2 con thuyền nhỏ xíu đỗ cạnh nhau. Ông Quế bảo: “Người theo đạo Thiên chúa không được phá thai, nhiều con thì càng nhiều lao động kiếm tiền”.
Có những người vốn trên bờ nhưng làm ăn thất bát hoặc có hoàn cảnh éo le cũng “nhảy dù” xuống thuyền. Ông Lê Văn Hưng (53 tuổi, quê ở Linh Xá, H.Kinh Môn, Hải Dương), từng là một chủ tàu trục vớt, tiền nhiều như nước, nhưng sa cơ vì dính vào rượu chè, nay làm nghề lặn tìm sắt vụn dưới sông để có tiền sinh sống. Khi nghề lặn khó khăn, ông lại lên bờ làm phụ vữa, khuân vác. Nhà bà Nguyễn Thị Gái đã hơn 70 tuổi, quê ở Hưng Yên, cũng có hơn 20 năm sống dưới thuyền. Chồng chết, các con lập gia đình và ở riêng, ngày ngày bà Gái, bán nước ở bến xe Lạc Long (chân cầu Lạc Long) để nuôi người con trai út gàn dở. Tối tối bà lại về cái thuyền con dưới sông để ăn ở. Bà cụ với một bên mắt đã hỏng, cứ thế sống tạm bợ qua ngày. Tháng trước, con thuyền của bà còn bị sóng đánh vỡ tan tành. Hai mẹ con bà đang phải lợp lán ở tạm mép bờ sông…
Bà Lê Thị Lan, nguyên tổ trưởng tổ dân phố Cù Chính Lan, P. Minh Khai, Q. Hồng Bàng, TP.Hải Phòng cho biết: “Từ những năm 80, đã có nhiều người dân tứ xứ đến đây sinh sống. Họ là những người dân chài hoặc làm nghề tự do như thợ lặn, cửu vạn… Từ đó hình thành một cộng động dân cư đứng ngoài sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương”.
Ngoài sự quản lý?
Không một gia đình nào trong xóm có hộ khẩu hay đăng ký thường trú. Cả xóm có hơn 20 trẻ em đến tuổi đi học, nhưng chỉ có 8 đứa đến trường. Bọn trẻ được học trong lớp học miễn phí của nhà thờ và hầu hết đều học chậm và yếu. Theo như sơ Yến (người trực tiếp dạy) thì bọn trẻ học không yếu lắm nhưng các em nghỉ nhiều quá, bố mẹ các em bắt ở nhà phụ việc. Lăn lóc qua lớp 5 là bọn trẻ nghỉ hết để đi kiếm tiền. Con trai thì theo bố đi làm, con gái thì gả chồng sớm, vừa bớt miệng ăn, vừa có cơ hội lên bờ.
Lên bờ có lẽ là khát khao lớn nhất của nhưng người dân trong xóm. Có người thì hy vọng khi Dự án cải tạo, xây dựng bến tàu thủy nội địa tại Bến Bính (UBND TP.Hải Phòng đã phê duyệt từ đầu năm 2013), được thực hiện, thành phố sẽ có phương án cấp đất, tái định cư cho người dân xóm nghèo. Có người lại lo, khi dự án triển khai sẽ khiến họ mất đi chỗ ở “tạm” hàng chục năm nay. Họ sẽ đi đâu về đâu hay lại lênh đêng trên một khúc sông nào đó.
Trao đổi với Thanh Niên về thực trạng này, bà Phạm Thị Bắc, Chủ tịch UBND P.Minh Khai cho biết: “ Tất cả họ đều không đăng ký hộ khẩu tại địa phương. Mặc dù vậy, vì xóm nằm trên đất của địa phương lên chính quyền địa phương cũng có sự giám sát và hỗ trợ khi có sự cố, đồng thời thường xuyên khảo sát, thống kê tình hình dân cư trong xóm. Tuy nhiên về lâu dài, tương lai của xóm chài phụ thuộc vào các quy hoạch của thành phố, hiện tại phường chưa có kế hoạch gì với cụm dân cư này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.