30 năm sự kiện Gạc Ma, Trường Sa (14.3.1988 - 14.3.2018): Con gái người anh hùng

13/03/2018 06:17 GMT+7

Trung úy Trần Thị Thủy, công tác tại Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, là con duy nhất của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương - người đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên đá Gạc Ma (Trường Sa) ngày 14.3.1988.

Cha hy sinh con mới ra đời
Da ngăm đen, chất giọng miền Trung, Thủy kể: “Khi em sinh ra thì ba đã hy sinh. Tới lúc ngã xuống, ba vẫn không biết trong chuyến về phép cuối cùng trước khi đi đảo, ba đã có em”.
Thủy hồi tưởng, lúc còn bé, thấy bạn bè có đầy đủ cha mẹ, em cứ gặng hỏi: “Ba con mô rồi?” khiến mẹ ngoảnh mặt lau nước mắt: “Ba con đang bận công tác ở ngoài đảo xa”. Mãi đến năm 1992, khi đã 4 tuổi, chứng kiến cảnh các chú bác trong đơn vị đưa hài cốt của ba từ đảo Sinh Tồn về nghĩa trang trong xã và mẹ khóc “Hôm ni ba mới được về nhà”, trong đầu óc non nớt em vẫn chưa hiểu chuyện gì. Chỉ đến khi học cấp 1, ngày rằm mồng một, giỗ chạp lễ tết cùng bà và mẹ ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, em mới dần biết người bộ đội nghiêm trang trong tấm hình đen trắng đặt trên bàn thờ và bia mộ kia là ba mình, đã hy sinh cho Tổ quốc”.
Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng 146, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân (HQ), nhớ lại: anh Trần Văn Phương sinh năm 1965, ở làng Đơn Sa, xã Quảng Phúc, H.Quảng Trạch (nay là P.Quảng Phúc, TX.Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Học xong lớp 10, anh nhập ngũ, vào HQ, được cử đi học lớp trinh sát pháo binh của quân chủng. Sau khi tốt nghiệp, tháng 1.1984 anh về nhận nhiệm vụ khẩu đội trưởng pháo binh thuộc Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Vùng 4 HQ - nay là Bộ Tư lệnh Vùng 4 HQ. Thời điểm này, cán bộ quân đội có trình độ 10/10 rất hiếm nên chỉ sau thời gian ngắn, Trần Văn Phương lại được cử đi học ở Trường Quân chính quân khu 7, đến tháng 1.1986 mới trở về đơn vị, được phong hàm thiếu úy và giữ chức trung đội trưởng của 146. Ngày 11.3.1988, thực hiện lệnh của Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương, tàu HQ-604 (Lữ đoàn vận tải 125 HQ) chở 2 khung nhà cao chân và gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh HQ, Lữ đoàn 146 và Đoàn Đo đạc biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển (Bộ Tham mưu HQ) do trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó 146 chỉ huy, rời quân cảng Cam Ranh ra Trường Sa, cùng tàu HQ-505 đến đóng giữ đá Gạc Ma và đá Cô Lin. Thiếu úy Phương đi trong đoàn với chức danh phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.

Dù khó khăn thế nào cũng không kêu ca, bởi mỗi việc mình phục vụ hôm nay không chỉ cho đất nước mà còn là nhiệm vụ mà cha đã giao lại. Máu cha đã đổ để giữ Trường Sa, giờ không thể phụ lòng của cha và các chú bác nằm lại vùng biển

Trung úy Trần Thị Thủy

Khoảng 3 giờ sáng 14.3.1988, công binh Trung đoàn 83 bắt đầu chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 do thiếu úy Phương lên tổ chức cắm cờ và bảo vệ công binh làm nhiệm vụ. 6 giờ ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu pháo, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma giật quốc kỳ VN nhưng bị Trần Văn Phương ngăn cản. Họ bắn chết thiếu úy Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Bị quân ta đánh trả, họ rút quân ra xa, bắn vào các tàu và quân ta ở bãi Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông và đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng HQ-604, chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt. Do chênh lệch về hỏa lực, tàu HQ-604 bị trúng nhiều đạn pháo địch và chìm dần… Trung tá Trần Đức Thông, đại úy Vũ Phi Trừ, thiếu úy Trần Văn Phương và 59 đồng đội hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở bãi Cô Lin.
Xin nhập ngũ ngay nơi cha hy sinh
Chị Mai Thị Hoa, vợ Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, giờ làm ăn tại TP.HCM. Chị kể: “Chúng tôi ở cùng làng và là bạn học cùng trường thời niên thiếu. 4 năm trời yêu nhau, mãi giữa tháng 6.1987 mới làm lễ cưới và chưa tròn 1 năm thì anh nhận lệnh rời đất liền ra Trường Sa. Trước khi lên đường, anh được tranh thủ nghỉ phép 10 ngày dịp Tết Mậu Thìn 1988. Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Ngày mồng 10 tháng giêng, tôi đạp xe đưa anh ra quốc lộ bắt xe ca vào Cam Ranh. Đến nơi, anh viết cho tôi một lá thư dặn dò giữ gìn sức khỏe và nói gia đình tạm dừng hồi âm vì đang chuẩn bị ra Trường Sa nhưng chưa biết đến đảo nào vì phải giữ bí mật quân sự…”.
“Chiều 14.3.1988, khi Đài tiếng nói VN đọc danh sách cán bộ chiến sĩ HQ bị mất tích tại vùng biển Gạc Ma - Len Đao, trong đó có tên anh Phương, tôi không tin đó là sự thật và chỉ mong một phép màu nào đấy đưa anh về”, chị Hoa nghẹn ngào: “Mấy hôm sau đơn vị báo chính xác là anh hy sinh, được chôn cất tại đảo Sinh Tồn và năm 1989, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thì tôi biết chắc chắn anh đã đi xa mãi mãi. Anh ra đi mà không biết đã để lại giọt máu của mình”.
Lớn lên trong vòng tay của mẹ và bà nội Hồ Thị Đức, Thủy chăm chỉ học và năm 2006 trúng tuyển chuyên ngành VN học ở Trường đại học Quảng Bình. Năm 2009 ra trường, biết cô là con gái duy nhất của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã chỉ đạo UBND H.Trường Sa tiếp nhận, phân công Thủy làm việc ở văn phòng huyện. Cuối tháng 3.2010, Thủy được UBND tỉnh và Quân chủng HQ bố trí cho theo đoàn thân nhân đi tàu HQ-936 ra thăm Trường Sa. Khi nghe thông báo tới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, mặc dù đang rất say sóng, Thủy vẫn bật dậy, lần ra mạn tàu đau đáu mắt xuống biển. Bấm điện thoại cho mẹ Hoa trong bờ, cô gái nức nở: “Con đã ra tới nơi cha hy sinh và thấy cha rồi mẹ ơi” và tu tu khóc. Chứng kiến cảnh này, cùng tiếng nấc nghẹn của bà mẹ từ bên kia đầu dây khiến mọi người trên tàu không ai cầm được nước mắt.
Ngay buổi chiều hôm đó, Thủy xin tờ giấy A4 viết đơn xin nhập ngũ mang lên phòng trưởng đoàn hành quân là Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Quân chủng HQ, tha thiết: “Con xin được phục vụ trong quân đội, đi tiếp con đường mà ba con đã chọn và đã đi”. Nguyện vọng của cô gái sau đó được lãnh đạo Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Quân chủng chấp nhận. Giữa năm 2010, Trần Thị Thủy được tuyển vào Lữ đoàn 146 - đúng đơn vị mà bố cô đã từng phục vụ và hy sinh.
Trần Thị Thủy đang làm công tác văn thư bảo mật tại Lữ đoàn 146
Trần Thị Thủy đang làm công tác văn thư bảo mật tại Lữ đoàn 146
Gia đình giữ biển
Bây giờ đến TT.Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hòa) hỏi “gia đình giữ biển” ai cũng biết đó là Hải - Thủy ở cạnh đội điều trị 486. Chồng Thủy là anh Nguyễn Hồ Hải, cán bộ thuộc Chi đội Kiểm ngư 4 (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT) suốt ngày lênh đênh trên những con tàu làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển từ Phú Quý (Bình Thuận) đến Trường Sa. Bố chồng Thủy lại chính là trung tá Nguyễn Văn Triển, nguyên thuyền trưởng tàu chiến đấu của Lữ đoàn 162, Bộ Tư lệnh Vùng 4 HQ, nên khi Hải - Thủy sinh con gái đầu lòng, cả nhà thống nhất đặt tên bé là Nguyễn Trần Navy (tiếng Anh là HQ), em gái sau sinh 2015 kém chị Navy 2 tuổi, được đặt tên Nguyễn Trần Trúc Giang.
Buổi chiều ngồi với tôi trong doanh trại Lữ đoàn 146, Thủy bảo: “Anh Hải có khi đi công tác ngoài biển đằng đẵng vài tháng, thi thoảng mới có điện thoại gọi về nhà động viên. Em mỗi ngày dậy sớm về muộn đưa đón 2 đứa nhỏ đi học và tới đơn vị làm việc cho đúng giờ. Rất may cấp trên chia sẻ hoàn cảnh chồng đi xa, con còn nhỏ nên cho về buổi tối chăm con”. Tuy nhiên, con gái người anh hùng cũng nghiêm nghị: “Dù khó khăn thế nào cũng không kêu ca, bởi mỗi việc mình phục vụ hôm nay không chỉ cho đất nước mà còn là nhiệm vụ mà cha đã giao lại. Máu cha đã đổ để giữ Trường Sa, giờ không thể phụ lòng của cha và các chú bác nằm lại vùng biển. Tôi là con liệt sĩ HQ, khi cần tôi sẵn sàng ra Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nhìn nét mặt, ánh mắt Thủy khi nói những lời này, tôi tin đó là lời thề của người lính, lời hứa thiêng liêng của con gái với người anh hùng cách đây 30 năm đã hô vang khẩu hiệu “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng HQ anh hùng” còn vang vọng khắp Trường Sa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.