Từ đó đến nay, bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và tình nguyện viên của trung tâm đã nỗ lực hết mình trên hành trình tận hiến và phụng sự xã hội. Trong hành trình ấy, biết bao mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ được cứu giúp; bao em thơ vùng sâu, vùng xa được vui bước đến trường; những chương trình giúp xây dựng lối sống đẹp trong thanh thiếu niên, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; phát triển các dự án hỗ trợ cộng đồng…
100 cây cầu nối liền những bờ vui
Với dự án "Xây dựng 100 cầu An Yên" tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên VN (15.10.1956 - 15.10.2026) của Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN (thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN), đến nay nhiều cây cầu An Yên đã nối liền những bờ vui; giúp học sinh được đến trường an toàn; việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn. Từ đó, góp phần quan trọng giúp nhiều địa phương đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng của xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao.
Ngày 5.6.2022, cầu giao thông nông thôn mang tên "Cầu An Yên số 1" tại xã An Bình, H.Thoại Sơn, An Giang chính thức được khởi công, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Cây cầu mới được xây dựng kiên cố, có chiều rộng 4,5 m và dài hơn 20 m.
Trong cái nắng của những ngày đầu hè, bên dòng kênh Ranh Mỹ Phú Đông (thuộc hai xã An Bình và Mỹ Phú Đông, H.Thoại Sơn), hôm đó chúng tôi chứng kiến những nụ cười hạnh phúc của người dân nơi đây. Khi từ hôm ấy, công trình cầu An Yên số 1 sẽ nối liền những bờ vui, giúp việc đi lại, lưu thông giữa hai xã và khu vực được thuận tiện, an toàn hơn.
Tiếp nhận tình cảm của các đơn vị tài trợ về xây cầu cho địa phương, ông Đỗ Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã An Bình, chia sẻ: "Chúng tôi rất hạnh phúc đón nhận tin vui này. Thay mặt Đảng ủy, nhân dân xã An Bình, chúng tôi xin hứa sau lễ khởi công này, sẽ giám sát tốt việc thi công đảm bảo chất lượng để công trình sử dụng được lâu dài. Cũng như đôn đốc các đơn vị thi công làm đúng tiến độ đã đề ra để cây cầu nhanh chóng được đưa vào sử dụng, phục vụ tốt cho việc đi lại và lưu thông an toàn của người dân".
Cũng tại An Giang, "Cầu An Yên số 2" - cầu Phổ Hiền 08 tại xã Bình Thành, H.Thoại Sơn được khởi công vào tháng 4.2023. Cầu kết cấu bê tông cốt thép, dài 25 m, ngang 4,5 m, tổng kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng.
Tiếp đến, vẫn mang tên là "Cầu An Yên số 2" nhưng được khởi công tại kênh Lò Lương, ấp Tân Quy II, xã An Phú Tân, H.Cầu Kè, Trà Vinh. "Cầu An Yên số 3" tại ấp 2, xã An Bình Tây, H.Ba Tri, Bến Tre với tổng kinh phí xây dựng hơn 160 triệu đồng, đến nay đã đưa vào sử dụng.
Cầu dân sinh mang tên "Cầu An Yên số 4" tại xã Tân Tri và "Cầu An Yên số 5" tại xã Đồng Ý, H.Bắc Sơn, Lạng Sơn cũng đã đi vào hoạt động, giúp bà con hai xã vùng núi xa xôi này đi lại thuận lợi hơn. Các cầu An Yên tiếp theo lần lượt: "Cầu An Yên số 6", hay còn được gọi là cầu Hạnh Phúc, tại ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, TX.Trảng Bàng, Tây Ninh với kinh phí xây dựng 250 triệu đồng; "Cầu An Yên số 7" - Cầu Ông Sáu Múm tại tổ 8, ấp Tân Đông, xã Tân Phú, H.Châu Thành, Bến Tre; "Cầu An Yên số 8" tại ấp Long Bình, xã Yên Luông, H.Gò Công Tây, Tiền Giang; "Cầu An Yên số 9" tại xã Lộc An, H.Long Thành, Đồng Nai; "Cầu An Yên số 10" tại xã Xuân Phương, TX.Sông Cầu, Phú Yên; "Cầu An Yên số 12 - Cầu Kênh Khẩn" tại ấp Thuận Tri, xã Bình Tân, H.Gò Công Tây, Tiền Giang.
Trong thời gian sắp tới, những cây cầu tiếp theo trong dự án "Xây dựng 100 cầu An Yên" sẽ được trung tâm phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục được thực hiện.
Nghĩa tình trong mùa dịch
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, không thể đếm xuể những hoạt động nghĩa tình mà đội ngũ nhân viên, thanh niên tình nguyện của trung tâm đã ngày đêm san sẻ đến lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân khó khăn, sinh viên, công nhân...
Anh Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN, cho biết khi dịch Covid-19 ở TP.HCM trở nên hết sức phức tạp, toàn bộ mạng lưới của trung tâm vận hành hết sức mình, bất chấp không gian và thời gian, chỉ với mục đích duy nhất là cố gắng giúp đỡ càng nhiều càng tốt cho lực lượng tuyến đầu, người dân, thanh thiếu niên, sinh viên, công nhân với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau của chương trình "San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch" do T.Ư Đoàn phát động.
Vẫn còn nhớ, ngay khi nhận được thông tin rất nhiều sinh viên ở trọ bị mắc kẹt lại TP.HCM vì dịch Covid-19 kêu cứu với mong muốn được hỗ trợ, Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên đã liên hệ với Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN thì ngay lập tức 1.000 phần quà với đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu đã được trung tâm trao tặng, để chúng tôi hỗ trợ kịp thời cho sinh viên. Và sau đó là công nhân ở các khu trọ treo bảng cầu cứu sữa cho con, cũng ngay lập tức trung tâm vận động các đơn vị tài trợ và hơn 24.000 bịch sữa được trao đến từng phòng trọ cho các em.
Một trong những hoạt động được đánh giá cao là trung tâm phối hợp cùng các đơn vị trao tặng 3 xe cứu thương cộng đồng cho ngành y tế của TP.HCM, Đồng Nai, mỗi xe trị giá hàng trăm triệu đồng. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa và vô cùng cấp bách trong tình hình lúc bấy giờ. Không chỉ đáp ứng một cách hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 mà còn mang tính bền vững trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân sau này.
Trong chương trình "San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch", trung tâm đã triển khai rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó có hoạt động thi công, lắp đặt văn phòng di động bằng container chuyên dụng với đầy đủ trang thiết bị làm việc, nghỉ ngơi, điều hòa nhiệt độ tại 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các cửa ngõ TP.HCM. Trung tâm tổ chức các tổ công tác đến thăm, tặng quà, động viên, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chốt kiểm soát dịch Covid-19, khu cách ly tập trung, bếp ăn từ thiện, bệnh viện dã chiến…
Việc giãn cách xã hội trong đại dịch đã làm đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, trong đó có việc tiếp cận nguồn thực phẩm bình ổn với giá cả phải chăng, phục vụ nhu cầu cấp thiết hằng ngày, nhất là với những người lao động thu nhập thấp. Chính vì thế, chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động" đã ra đời. Chương trình đã tổ chức các chuyến xe lưu động trang bị đầy đủ công năng, với sự hỗ trợ của địa phương tổ chức bán hàng bình ổn giá trực tiếp đến tay người dân khó khăn, ở các điểm phong tỏa, khu dân cư... với tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối quy định phòng chống dịch.
Vô vàn những túi an sinh được trao tận tay người dân
Hưởng ứng chương trình "Triệu túi an sinh" do T.Ư Đoàn phát động, đã có vô vàn những túi an sinh được trung tâm phối hợp cùng các đơn vị trao tận tay người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch… không chỉ tại TP.HCM mà còn tại các tỉnh thành lân cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, và các tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19.
Trong đại dịch, nhiều người từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc bị ảnh hưởng, mắc kẹt không thể về quê nhà. Cùng với gánh nặng cơm áo, họ không còn đủ khả năng trả tiền phòng trọ. Trước tình hình này, trung tâm đã vận hành Chương trình "ATM nhà trọ cộng đồng" và "ATM việc làm cộng đồng". ATM nhà trọ ghi nhận thông tin người cần chỗ trọ và chủ nhà trọ; còn ATM việc làm kết nối nhu cầu việc làm giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Trung tâm còn phối hợp cùng các đơn vị đã mang "Chuyến xe yêu thương - San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch Covid-19" đến với các tỉnh thành khác.
Thời điểm dịch, khi đến các bếp ăn nghĩa tình, thấy được tấm lòng của các đơn vị, những người ngày đêm hướng đến bà con trong khu vực phong tỏa và lực lượng phòng chống dịch tại TP.HCM, trung tâm đã trao tặng trên 10 tấn gạo cho hơn 10 bếp ăn. Đồng thời, kết nối các nhà hảo tâm trao tặng hơn 20 tấn rau củ quả, nhằm hỗ trợ các bếp ăn mở rộng quy mô, tiếp cận được nguồn thực phẩm tươi ngon trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội đầy khó khăn.
Cũng trong giai đoạn dịch vô cùng căng thẳng, chuỗi chương trình nghệ thuật "Khúc ca đồng lòng" tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) được tổ chức đã truyền tải những thông điệp xuất phát từ trái tim về sự yêu thương, tin tưởng và mong muốn đội ngũ y bác sĩ sẽ tiếp tục vững tin vượt qua những khó khăn, áp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; người dân đang điều trị tại đây sẽ lạc quan, phấn khởi, tin tưởng cùng đồng lòng chiến thắng bệnh dịch.
Nơi của sự tâm huyết, trách nhiệm với xã hội và tình yêu thương
Qua hành trình 30 năm tận hiến và phụng sự của trung tâm, anh Nguyễn Thanh Hân cho biết với phương châm "Cho cần câu chứ không cho xâu cá" đã làm chuyển đổi cơ bản hình thức trợ giúp mang tính bao cấp trước đây sang trợ giúp có tham vấn. Từ đó, giúp các đối tượng yếu thế, đặc biệt là thanh thiếu niên tự giải quyết vấn đề của mình, vươn lên trong xã hội.
"Chặng đường 30 năm trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhưng đều có chung một khát vọng và tầm nhìn, đó là xây dựng Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN ngày càng phát triển, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng, đạt được những thành quả phát triển trên nhiều lĩnh vực…", anh Hân chia sẻ và khẳng định: "Trong giai đoạn tới, trung tâm tiếp tục nỗ lực thực hiện định hướng phát triển của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN đề ra. Đặc biệt, trung tâm tiếp tục tăng cường thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, xem đây là một đột phá quan trọng trong giai đoạn tới. Cùng với đó là xây dựng đội ngũ lãnh đạo và cán bộ có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ".
Chia sẻ trong cuốn kỷ yếu 30 năm thành lập Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, nhìn nhận trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN đã có nhiều nỗ lực, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả trong triển khai các hoạt động giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, huấn luyện kỹ năng, nhiệm vụ công tác xã hội, dạy nghề, hỗ trợ lập thân lập nghiệp cho thanh thiếu niên.
"Tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của trung tâm trong thời gian qua. Với truyền thống và kinh nghiệm, với tâm huyết và trách nhiệm xã hội cùng với tình yêu thương, tôi tin tưởng trung tâm sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, tiên phong, đoàn kết, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào công tác Đoàn, Hội, phong trào thanh thiếu nhi cùng sự phát triển của cộng đồng", anh Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ.
Một số kết quả hoạt động công tác xã hội nổi bật năm 2023
Tại TP.HCM: Thăm, tặng quà tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM: Trao tặng 1 máy nước nóng cho Trạm kiểm soát biên phòng ấp Thiềng Liềng. Trao tặng 50 túi quà an sinh; 50 tủ thuốc; 1 tuyến đường điện năng lượng mặt trời, thắp sáng 1 km đường; tặng 15 giường xếp, 20 phần quà hỗ trợ học sinh, tặng 2 máy lọc nước cho điểm trường mầm non - tiểu học Thiềng Liềng… Tổng kinh phí chương trình và đối ứng: 500 triệu đồng.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu: Trao 300 phần quà cho các hộ dân (mỗi hộ gồm gạo và các nhu yếu phẩm trị giá 500.000 đồng cùng 500.000 đồng tiền mặt); trao 100 phần quà cho các hộ dân ở H.Xuyên Mộc và 200 triệu đồng cho UBND H.Xuyên Mộc để mua thẻ BHYT cho những trường hợp khó khăn… Tổng kinh phí chương trình đợt này hơn 700 triệu đồng.
Tại Bình Thuận và Ninh Thuận: Trao tặng 600 suất quà cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ nâng cấp sân trường tại Trường TH - THCS Phan Dũng, xã Phan Dũng, H.Tuy Phong (Bình Thuận). Trao tặng 300 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn xã Phước Vĩnh, H.Ninh Phước (Ninh Thuận); 1 hệ thống máy lọc nước cho trường học và kinh phí quỹ học bổng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận… Tổng kinh phí chương trình hơn 1,4 tỉ đồng.
Tại Phú Yên: Trao tặng 50 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, trao 20 suất quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã An Dân, H.Tuy An... Tổng kinh phí cho chương trình: 134 triệu đồng.
Tại Gia Lai: Tặng 600 mũ bảo hiểm với tổng kinh phí 90 triệu đồng cho đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân H.Kông Cho.
Tại TP.Cần Thơ: Trao tặng 1 "Chuyến xe yêu thương" cho Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Cần Thơ với tổng kinh phí 250 triệu đồng.
Tại Lào Cai, Quảng Ngãi: Khởi công xây dựng "Nhà nhân ái" với tổng kinh phí 50 triệu đồng; trao tặng 1 tủ sách và 2 bàn họp, cùng 40 cuốn sách pháp luật; trao tặng 200 áo thun hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Tổng chi phí tại Lào Cai: 150 triệu đồng.
Tổ chức tư vấn sức khỏe, khám bệnh, phát thuốc miễn phí và trao tặng quà cho 300 ngư dân tại H.Lý Sơn (Quảng Ngãi); thăm, giao lưu và tặng quà các đơn vị: Đồn biên phòng Lý Sơn thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cùng hai đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3… Tổng chi phí tại Quảng Ngãi: 600 triệu đồng…
Còn rất nhiều hoạt động khác của Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN đã thực hiện trong thời gian qua, đóng góp rất to lớn cho cộng đồng xã hội.
Phát động cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi"
Báo Thanh Niên và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN phát động cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi", để tôn vinh, ca ngợi về ngành công tác xã hội, lan tỏa hình ảnh về những tấm gương đang làm công tác xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội và các nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng...
Cuộc thi bắt đầu từ ngày 12.4 - 31.7.2024. Tham gia cuộc thi để có cơ hội nhận được những phần thưởng giá trị. Trong đó:
Cuộc thi viết: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (8 triệu đồng/giải); 3 giải ba (6 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng Thanh Niên Online): 5 triệu đồng.
Cuộc thi ảnh online: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 1 giải nhì (8 triệu đồng); 1 giải ba (6 triệu đồng); 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải ảnh dự thi được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng Thanh Niên Online): 5 triệu đồng.
Thông tin chi tiết xem tại thanhnien.vn hoặc báo in số ra ngày 13.4.2024.
Bình luận (0)