Chị Huỳnh Thị Cẩm Châu (31 tuổi, điều dưỡng đội sàng lọc bệnh nhân) ứa nước mắt cho biết. Tại những bệnh viện (BV) thu dung điều trị Covid-19, có những đôi vợ chồng phải gác lại niềm riêng để cùng ra trận.
Cùng bệnh viện, cả tuần không gặp nhau
Điều dưỡng Huỳnh Thị Cẩm Châu và chồng là anh Trần Quốc Thanh (36 tuổi, kỹ sư bảo trì) đều là nhân viên của BV Da liễu TP.HCM. Gần 2 tháng nay, cặp vợ chồng này cùng phục vụ tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Thấy chị Châu sụt sịt khi chúng tôi hỏi về con cái, anh Thanh chia sẻ thay vợ: “Thực ra, tụi mình lên đây rất gấp gáp. Bữa đó trưa chủ nhật, mình nghe tin BV Da liễu sẽ cử một đội hỗ trợ thành lập BV dã chiến số 12, khoảng thứ năm tuần tới sẽ đi. Nhưng trưa hôm sau, vợ mình lật đật chạy về gom đồ, chỉ kịp khóc chào con: “Mẹ đi bắt con zịch (ý nói là dịch Covid-19) nha con! Chừng nào mẹ bắt hết con zịch, mẹ về”.
Làm ở đội sàng lọc, chị Châu cho biết hằng ngày chị phụ đo nhiệt độ, đo SpO2 (nồng độ ô xy bão hòa trong máu) cho bệnh nhân. Tiếp đó, hướng dẫn bệnh nhân đứng khoảng cách 2 m để bác sĩ tới thăm khám. Nếu bệnh nhân phù hợp với tiêu chí của BV thì sẽ được xếp phòng, theo nguyện vọng như đi chung gia đình hay ở chung với ai. Ưu tiên cho phụ nữ và người lớn tuổi ở tầng thấp, còn thanh niên ở trên cao.
Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân ở khâu đầu vào, chị Châu và đồng nghiệp luôn đối diện nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, anh Thanh thuộc tổ bảo trì, tham gia khắc phục các sự cố thiết bị trong 6 lô của BV dã chiến này. Được biết, tòa nhà này được xây dựng xong mấy năm nay, nhưng chưa có người ở. Vì vậy, một số hạng mục đã bị xuống cấp.
Mỗi khi gặp sự cố về phòng ốc, điện nước, các nhân viên y tế và tình nguyện viên chúng tôi thường báo anh Thanh. Có hôm, vòi nước trong phòng tắm bỗng bị hỏng lúc nửa đêm, nước chảy lênh láng, chúng tôi gọi anh Thanh. 2 giờ sáng, phòng cấp cứu mất nước, anh Thanh cũng tiếp nhận cuộc gọi... “Tất cả những cái gì hư, người ta sẽ báo cho mình và mình sẽ phân loại. Ví dụ, cái gì nhỏ nhặt mình làm được thì làm, cái gì quá tầm thì báo cho sếp, cái gì lớn như mất nước cả khu vực thì báo sếp, báo ban quản lý tòa nhà để họ cho người sửa”.
Ngoài ra, anh Thanh còn phụ khiêng đồ đạc cho đội hậu cần. Có dạo, mọi người ngạc nhiên khi nghe tiếng hát rộn ràng phát ra từ loa kẹo kéo đặt giữa sân BV lúc 7 giờ sáng. Hỏi ra mới hay tác giả nghĩ ra mô hình này chính là anh Thanh. Anh giải thích: “Cũng như mình ở đây, bệnh nhân không có phương tiện giải trí. Vì vậy, tụi mình mong mọi người vui tươi khỏe mạnh, nên chuẩn bị 5 bài hát mỗi buổi sáng”.
Mặc dù ở cùng BV dã chiến nhưng vợ chồng anh Thanh ít khi gặp nhau do làm ở những đội hình khác nhau. Có khi 2 - 3 ngày, có khi cả tuần, họ mới thấy nhau lúc mọi người đi lấy cơm.
|
Mong dịch bệnh mau kết thúc
Tương tự, vợ chồng anh chị Bùi Hiển Vinh (38 tuổi) và Đỗ Ngọc Thùy Trâm (36 tuổi) - nhân viên BV Da liễu TP.HCM, cũng gửi 2 đứa con 8 tuổi và 6 tuổi cho bà nội ở Q.8. Hai tháng qua, chị Trâm làm đội hậu cần tại BV dã chiến số 12, còn anh Vinh là tài xế xe cấp cứu tại BV dã chiến số 3 (theo sự điều phối của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM).
Trước khi tình nguyện vào BV dã chiến số 12, từ tháng 6, chị Trâm cùng đồng nghiệp đi lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 trong cộng đồng. Tiếp đó, chị tham gia đứng đo nhiệt độ và hướng dẫn người dân khai báo y tế điện tử tại chốt Vĩnh Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM), một trong những cửa ngõ của thành phố.
|
Trong khi đó, chồng chị Trâm cũng tích cực tham gia công tác chống dịch từ tháng 6. Điều đó cũng đồng nghĩa hơn 3 tháng qua, anh chưa được gặp con. Anh Vinh cho hay nhiệm vụ của anh hiện nay là chở bệnh nhân ở những khu cách ly, nếu bệnh nhân trở nặng thì chở đi cấp cứu lên những BV tuyến trên. Anh tâm sự: “Tuy 2 BV dã chiến số 3 và số 12 gần nhau, nhưng thỉnh thoảng vợ chồng mình mới gặp và mỗi lần gặp nhau 5 phút là về. Bản thân mình không biết có đang bị lây nhiễm hay không, nên hạn chế tiếp xúc với vợ”. Cách đây vài hôm, chị Trâm đã được về nhà. Còn anh Vinh vẫn tiếp tục phục vụ tại BV tuyến đầu.
Trong khi đó, vợ chồng anh Thanh - chị Châu vẫn chưa biết ngày về. Mỗi lần chị Châu gọi điện về nhà, bé Cherry (6 tuổi) thường khóc: “Con nhớ mẹ! Mẹ mau về với con!”. Những lúc đó, người mẹ trẻ không kiềm được nước mắt...
“Em mong dịch bệnh mau kết thúc, để BV hoàn thành nhiệm vụ và tụi em được đoàn tụ gia đình”, nữ điều dưỡng Cẩm Châu ao ước.
(còn tiếp)
Bình luận (0)