Trưa nay 25.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã về tới Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Nga. Chỉ trong 30 tiếng có mặt tại TP.Kazan (Liên bang Nga), người đứng đầu Chính phủ đã có chuỗi hoạt động ấn tượng cả song phương và đa phương.
Khẳng định vị thế Việt Nam
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là khách mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin - nước Chủ tịch BRICS 2024 cùng hơn 40 lãnh đạo, đại diện các nước thành viên BRICS và khách mời, trong đó có đại diện của các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ La tinh.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là hoạt động quan trọng nhằm triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
"Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng tham dự và phát biểu tại phiên toàn thể BRICS mở rộng với thông điệp 5 kết nối chiến lược
ẢNH: NHẬT BẮC
Chuyến công tác của Thủ tướng đã thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các nỗ lực chung toàn cầu. Cùng với việc chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại ASEAN, Liên Hiệp Quốc, các cơ chế APEC, G7, G20… và các cơ chế đa phương khác, Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu, toàn diện, các nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, hóa giải thách thức, chuyển cơ hội, tiềm năng thành các động lực mới phục vụ phát triển.
Với nhận định sâu sắc về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, cũng như trước thách thức chưa từng có mà nhân loại đang phải đối diện, Thủ tướng đã kêu gọi BRICS thúc đẩy "năm kết nối chiến lược".
Chính phủ Nga đã dành sự tiếp đón trọng thị và đầm ấm cho Thủ tướng Phạm Minh Chính
ẢNH: NHẬT BẮC
Cụ thể là các kết nối về nguồn lực, hạ tầng chiến lược cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, chuỗi cung ứng toàn cầu, con người với con người và kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu. Việt Nam sẵn sàng cùng BRICS và cộng đồng quốc tế hợp tác để thực hiện mục tiêu cao cả về xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Việc tham dự BRICS mở rộng cũng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị đã chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam bản lĩnh, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đang trên đà vươn mình phát triển kinh tế - xã hội năng động; khẳng định vị thế, tư duy chiến lược trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Các nhận định, cách tiếp cận và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo và đại biểu các nước hoan nghênh, đánh giá cao, đóng góp thiết thực vào kết quả chung của hội nghị.
Chuỗi hoạt động song phương ấn tượng
Trong hơn 1 ngày tham gia hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có gần 30 hoạt động tiếp xúc song phương với Nga và gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo các nước thành viên BRICS và khách mời tham dự.
Thủ tướng hội đàm với Tổng thống Nga Putin, gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
ẢNH: NHẬT BẮC
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiếp Phó thủ tướng Alexander Novak cùng nhiều bộ trưởng và các tập đoàn lớn của Nga. Lãnh đạo hai bên đã trao đổi nhiều nội dung hợp tác sâu rộng, thực chất nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Lãnh đạo cấp cao hai nước tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời, son sắt đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là nền tảng quan trọng giúp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, bền vững vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên trao đổi sâu rộng về định hướng phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực. Thông qua Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Nga đến năm 2030, nhất trí nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, cùng khai thác tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu nhằm tạo thuận lợi hơn cho thương mại song phương.
Đặc biệt, tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án quan trọng, đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, nhất là cơ sở hạ tầng, năng lượng. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo, văn hóa và du lịch…
Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; ủng hộ hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước thành viên BRICS và khách mời đạt được những kết quả thực chất, hiệu quả về hợp tác kinh tế, đối ngoại
ẢNH: NHẬT BẮC
Đáng chú ý, Thủ tướng đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith.
Thủ tướng cũng có cuộc gặp ngắn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Belarus, Tổng thống Uzbekistan, Tổng thống Nam Phi, Tổng thống Azerbaijan, Tổng thống Kyrgyzstan, Tổng thống Tajikistan, Tổng thống Iran, Tổng thống Cộng hòa Congo; và Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cuba, Indonesia, Thái Lan, Ả Rập Xê Út...
Lãnh đạo các nước đánh giá cao thành tựu phát triển và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ mọi mặt với Việt Nam.
Thủ tướng và lãnh đạo các nước nhất trí ưu tiên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; khẳng định quyết tâm cùng nhau mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, lao động, khoa học - công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hợp tác mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Bình luận (0)