Nội dung tấm biển viết: "Nhà o Xuân (bà Xuân - PV) có con trai 30 tuổi mới lấy được vợ nên mừng híp mắt. Gia đình tổ chức đám cưới, mong mọi người không đi lối này, xin cảm ơn". Chu đáo hơn, tấm biển có thiết kế thêm mũi tên chỉ đường để mọi người tiện di chuyển, không ảnh hưởng nhau và vướng rạp cưới.
Đặt biển xin đường để ngày vui được trọn vẹn
Người thực hiện tấm biển đặc biệt này là anh Lê Văn Phúc (30 tuổi, H.Thanh Chương, Nghệ An). Anh Phúc là chú rể trong đám cưới với cô dâu Đậu Thị Thương (26 tuổi). Anh Phúc cho hay trước khi dựng rạp tổ chức đám cưới, gia đình đã xin phép chính quyền địa phương, thông báo đến hàng xóm để mong mọi người thông cảm. Anh đặt thêm tấm biển mong mọi người vui vẻ đi đường khác để ngày vui được trọn vẹn. "Tôi đã 30 tuổi, mỗi lần về quê đều nhận được câu hỏi: "bao giờ lấy vợ?" từ mẹ, người thân, hàng xóm. Giờ tôi lấy được vợ, ai cũng mừng vì cuối cùng tôi đã lập gia đình, cuộc sống bước sang trang mới", anh Phúc nói.
Cũng theo chú rể, gia đình dựng rạp chắn một phần đường, có thể gây ảnh hưởng đến việc đi lại cho bà con trong xóm. "Nhiều người nhầm tưởng tấm biển do các chú, các bác vẽ nhưng không ngờ chính tôi là người thực hiện. Đoạn đường ở gần nhà tôi có nhiều ngã rẽ nên mọi người vẫn có thể đi đường khác", chú rể chia sẻ.
Anh Phúc và chị Thương quen nhau từ đầu năm 2024. Nhà hai người cách nhau khoảng 4 km, trước đó được người quen giới thiệu từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cặp đôi vẫn giữ mối quan hệ quen biết, không tìm hiểu nhiều do chị Thương sinh sống và làm việc ở miền Nam. Sau này, chị Thương quyết định về quê Nghệ An làm việc để gần gũi với gia đình, anh Phúc mạnh dạn trò chuyện và ngỏ lời yêu đương.
"Trùng hợp, cô ấy làm việc cùng xưởng sản xuất với tôi sau khi về quê. Thực tình chúng tôi quen nhau chưa lâu nhưng cả hai luôn xác định mối quan hệ nghiêm túc để tiến tới hôn nhân. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, tôi đã đón cô ấy đi xem bắn pháo hoa ở Cửa Lò. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi đi chơi xa với nhau", anh Phúc thông tin.
Cảm động vì chú rể cho mượn máy sấy
Trong lúc yêu nhau, cả hai cũng trải qua nhiều lần giận dỗi như bao cặp đôi khác. Điều này xuất phát từ việc anh Phúc đôi khi hơi vô tư, mải đi đá bóng, nhưng sau đó hai người đều nhanh chóng làm lành.
"Đối với tôi, vợ là người quá hoàn mỹ, không có điểm gì để chê. Cô ấy là người khá lo toan, tôi thường xuyên nhắc vợ bớt suy nghĩ để đầu óc nhẹ nhàng", chú rể chia sẻ.
Chị Thương bất ngờ khi tấm biển xin đường tổ chức đám cưới được mọi người quan tâm. Nhiều người gửi lời chúc phúc nên chị rất vui, xem đây là kỷ niệm đẹp trong ngày trọng đại. Bình thường chồng chị ít khi vẽ vời, nhưng vì mừng rỡ khi "thoát ế" nên nảy ra ý tưởng độc đáo.
Cũng theo cô dâu, sau khi từ miền Nam về quê và vào công ty chồng làm việc, hai người mới có cơ hội gặp nhau thường xuyên. Mùa đông, chị quên đem theo máy sấy tóc nên anh đã cho chị mượn máy để sử dụng. "Tôi nghe anh kể đó là món quà anh nhận được sau khi đi hiến máu. Tôi thấy anh đi hiến máu nên có ấn tượng tốt. Đi làm chung, tôi nghe anh kể chuyện cuộc sống thường ngày nên sau khoảng 1 tháng rưỡi tìm hiểu, tôi đồng ý làm người yêu", chị Thương nói.
Anh Phúc không phải người hay phô trương tình cảm nhưng biết quan tâm đến mọi người. Chị Thương bị say xe nên thường xuyên được anh chở xe máy về thăm gia đình mỗi lần được nghỉ.
"Mẹ chồng mừng khi con trai lấy được vợ, thương con dâu, anh em trong nhà đoàn kết. Tôi rất mừng vì điều đó và dự định sắp tới vợ chồng sẽ ở quê vun vén cho mái ấm nhỏ", cô dâu bày tỏ.
Bình luận (0)