(TNO) Tại mỏ kim cương Udachnaya (Nga), một cục đá nhỏ nhưng lại chứa trong nó đến 30.000 viên kim cương vừa được tìm thấy. Công ty khai thác đã tặng cục đá này cho các nhà khoa học.
Phải khai thác cả tấn đá mới thu được 1 - 6 carat kim cương, nhưng cục đá này lại có mật độ kim cương trong nó cao hơn mức thông thường cả triệu lần. Hiện các nhà khoa học Nga và Mỹ đang nghiên cứu sự bất thường này.
Từ lâu nay, mọi người hầu như đều xem kim cương là những tinh thể carbon được hình thành sâu trong lớp vỏ Trái đất dưới áp lực lớn và nhiệt độ cao.
Tuy nhiên, hãng tin UPI dẫn lời Larry Taylor, một nhà địa chất tại Đại học Tennessee (Mỹ) cho biết phản ứng để tạo kim cương tự nhiên vẫn là ẩn số lớn. Taylor vừa trình bày nghiên cứu của ông về kim cương trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa lý của Mỹ, được tổ chức tại San Francisco.
Taylor cùng các đồng nghiệp Viện Hàn lâm Khoa học Nga nghiên cứu và thấy rằng những viên kim cương nhỏ được hình thành từ các chất lỏng thoát ra từ lớp vỏ đại dương trong quá trình hút chìm, theo đó một mảng kiến tạo chìm vào trong lớp phủ. Đá hình thành những viên kim cương nhiều khả năng là peridotit - loại đá có thành phần cấu tạo chủ yếu gồm olivin và pyroxen.
UPI cho biết những nghiên cứu sâu hơn dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí Địa chất và Địa vật lý của Nga.
Bình luận (0)