321/427 đại biểu chấp nhận thất thu 5.000 tỉ, dù đây là tiền lệ xấu

18/11/2019 22:39 GMT+7

Do chỉ có 96/427 đại biểu Quốc hội phản đối, ngân sách đã chắc chắn thất thu 5.000 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1.7.2011 đến hết ngày 31.12.2013 và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 1.1.2013 đến hết ngày 31.8.2017.
Do khi thảo luận tại tổ và trên hội trường, các đại biểu Quốc hội có ý kiến quá khác nhau, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã phải phát phiếu xin ý kiến về 2 nội dung: thứ nhất, về việc Quốc hội có không thu số tiền khoảng 5.000 tỉ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên (do Chính phủ chậm ban hành nghị định hướng dẫn thu) trên đây không; và thứ hai là nội dung này có thể thông qua trong 1 kỳ họp hay phải để lại thảo luận cho kỹ.
Tính đến 17 giờ ngày 14.11, Ban thư ký đã nhận lại được 427 phiếu của đại biểu Quốc hội. Theo đó, về nội dung “không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của luật Khoáng sản năm 2010 từ ngày 1.7.2011 đến hết ngày 31.12.2013; không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của luật Tài nguyên nước năm 2012 từ ngày 1.1.2013 đến hết ngày 31.8.2017” có 321/427 đại biểu đồng ý, chiếm 75,18%; 96/427 đại biểu không đồng ý (chiếm 22,48%).
Như vậy, Quốc hội đã đồng ý không thu khoản tiền 5.000 tỉ đồng này vì việc Chính phủ chậm ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật.
Trước đó, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình là “lùi” thời điểm thu tiền chứ không phải “không thu tiền” như bản lấy ý kiến. Có thể thấy cơ quan có thẩm quyền đã quyết định thay đổi nội dung này để làm rõ hơn việc sẽ không thu tiền.
Tuy vậy, vẫn có ý kiến đại biểu cho rằng, việc đưa nội dung này vào Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những trường hợp tương tự sau này.
Có ý kiến đại biểu khác đề nghị chỉ miễn thu tiền nếu Chính phủ cam kết xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân gây ra sự việc này.
Về nội dung Quốc hội xem xét, quyết định việc này trong 1 kỳ họp, có 333/427 đại biểu đồng ý (chiếm 77,99%), 70/427 không đồng ý (chiếm 16,39%) và 20/427 không có ý kiến (chiếm 4,68%).
Tại đây, một lần nữa có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường trong việc chậm trễ ban hành các nghị định liên quan, gây thất thoát 5.000 tỉ đồng đối với ngân sách nhà nước.
Thông thường, tỷ lệ thăm dò này chưa mang ý nghĩa quyết định, do Quốc hội còn phải biểu quyết thông qua nghị quyết riêng tại hội trường.
Tuy nhiên, do nội dung này được biểu quyết thông qua kèm theo nội dung nghị quyết của kỳ họp, đồng nghĩa với việc 5.000 tỉ đồng này chắc chắn sẽ không được thu, vì có rất ít khả năng đại biểu sẽ chỉ vì không đồng ý với nội dung này mà không thông qua cả nghị quyết.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, do Chính phủ chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật Khoáng sản chậm 2 năm 6 tháng; và thi hành luật Tài nguyên nước chậm 4 năm 8 tháng đã dẫn đến thời gian này không thể thực thi được việc thu tiền cấp quyền khai thác với các loại tài nguyên trên.
Theo ước tính của Chính phủ, khoản tiền thất thoát là khoảng 5.000 tỉ đồng, nhưng không thể thu được, do không có quy định về hồi tố. Thêm vào đó, theo Chính phủ, đa số các dự án khai thác khoáng sản là của doanh nghiệp nhà nước, như TKV, PVN, EVN…
Do đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ra một nghị quyết cho phép không thu khoản tiền trên.
Trong khi đa số đại biểu ngậm ngùi ở thế đã rồi (như kết quả ở trên cho thấy), một số đại biểu rất bất bình trước việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn vừa khiến ngân sách thất thu, vừa làm tổn hại đến sự tôn nghiêm của pháp luật, tạo ra tiền lệ xấu là bất tuân luật rồi xin Quốc hội xí xóa.
Một số đại biểu không đồng tình với con số ước tính của Chính phủ, cho rằng thiệt hại thực sự của ngân sách có thể lớn hơn, do đó, đề nghị để lại xem xét cho kỹ trước khi Quốc hội thông qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.