325 phụ huynh trường Múa kêu cứu: Học viện Múa Việt Nam giải thích thế nào?

01/04/2021 23:27 GMT+7

Lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam giải thích việc vì sao đến nay có 273 học sinh của trường đã hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại học viện nhưng vẫn “3 không”: không có các bằng tốt nghiệp THCS, THPT , trung cấp.

Chiều 1.4, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam (gọi tắt là trường Múa) đã có buổi gặp gỡ báo chí và một số đại diện phụ huynh để trao đổi về các nội dung mà 325 phụ huynh viết đơn kêu cứu được hàng loạt báo chí đăng tải.

Không biết học sinh cần lấy bằng tốt nghiệp THCS, THPT!

Theo ông Trần Văn Hải, Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam, học viện đã có lịch sử 60 năm hoạt động. Do yêu cầu đào tạo của ngành nghệ thuật mang tính đặc thù nhằm đáp ứng những tiêu chí khắt khe của nghề diễn viên múa, học sinh được đào tạo từ nhỏ. Học hết lớp 6 là các em có thể được tuyển vào trường để học chương trình trung cấp dài hạn.
Sau khi trúng tuyển, các em vừa được học kiến thức văn hóa, vừa được học kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Chương trình giảng dạy của trường được thiết kế tích hợp. Sau khi hoàn thành chương trình THCS, các em thi đầu vào lớp 10, nếu đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được học các môn văn hóa THPT. Sau khi hoàn thành phần kiến thức văn hóa THPT, các em được nhà trường cho thi tốt nghiệp phần văn hóa. Nếu đỗ, các em mới đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp chuyên môn và được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp.
Như vậy, cho đến năm 2016, học sinh hệ trung cấp dài hạn của trường Múa khi tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, nhưng không được cấp bằng THPT (và cả bằng THCS).
Được biết, các chương trình THCS và THPT tích hợp trong chương trình đào tạo chung của nhà trường đều được Bộ GD-ĐT cho phép.
Lý giải vì sao trường Múa không đăng ký với Phòng GD-ĐT Q.Cầu Giấy để xét tốt nghiệp THCS cho học sinh, với Sở GD-ĐT để học sinh của mình được phép dự thi kỳ thi THTP quốc gia (năm ngoái là kỳ thi tốt nghiệp THPT) để các em lấy bằng tốt nghiệp THPT, ông Hải nói: “Vì phụ huynh không đề xuất nên học viện không biết học sinh có nhu cầu lấy các bằng đó”.
Một giảng viên trường Múa có mặt tại cuộc gặp gỡ nói: “Từ trước đến nay, trường Múa chưa bao giờ cấp bằng THCS, THPT cho học sinh. Đó là đặc thù của trường văn hóa nghệ thuật. Cá nhân tôi chẳng hạn, tôi không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT, nhưng tôi vẫn được học lên thạc sĩ, học cả tiến sĩ!”.

Không cấp được bằng trung cấp vì… quên đăng ký với Bộ GD-ĐT

Còn việc ngay cả bằng trung cấp, 273 học sinh các khóa tuyển sinh từ 2012 - 2016 của trường đều không được cấp, ông Hải giải thích: vì… quên!
Theo ông Hải, năm học 2012 - 2013, trường Múa (lúc đó là Trường cao đẳng Múa) mở thêm hệ đào tạo bậc cao đẳng diễn viên múa, tuyển sinh đầu vào học sinh lứa tuổi 12 - 13. Đây là chương trình tích hợp gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là trung cấp, giai đoạn 2 là cao đẳng.
Chương trình này đã được các Bộ VH-TT-DL và Bộ GD-ĐT phê duyệt thông qua các đề án thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy khối trường văn hóa - nghệ thuật nói riêng và Trường cao đẳng Múa nói riêng.
Tuy nhiên, khi triển khai, Trường cao đẳng Múa khi đó đã… quên, không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào từ trình độ trung cấp, không đăng ký phôi bằng trung cấp cho các khóa đào tạo tích hợp trình độ trung cấp - cao đẳng với Bộ GD-ĐT.
“Do đó, học sinh các khóa này không được nhận bằng trung cấp khi học xong giai đoạn 1. Thực trạng này dẫn đến việc 273 học sinh đã hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại trường nhưng chưa được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp”, ông Hải cho biết.
Được biết, giai đoạn 2012 - 2016, người đứng đầu trường Múa là ông Nguyễn Văn Quang. Khi còn là Trường cao đẳng Múa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quang là hiệu trưởng. Khi trường Múa được nâng cấp lên học viện (tháng 1.2019), ông Quang là quyền giám đốc. Sau khi ông Quang nghỉ chế độ (khoảng giữa năm 2019), ông Trần Văn Hải mới được điều chuyển từ Phó hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu điện ảnh sang làm Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam.
Trong tờ tình gửi Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT, Học viện Múa Việt Nam đề xuất:
Cho phép Học viện Múa Việt Nam in và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và THPT cho học sinh đã hoàn thành các chương trình này tại học viện.
Học sinh, sinh viên đã hoàn thành chương trình THCS, THPT tại học viện được phép sử dụng giấy chứng nhận này được bổ sung kiến thức các môn học còn thiếu và tham dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Cho phép học viện được in phôi bằng trung cấp chuyên nghiệp để cấp bù cho 273 học sinh của các lớp thuộc hệ đào tạo tích hợp trung cấp - cao đẳng trong các năm từ 2012 đến 2016 đã học và thi hết trình độ trung cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.