Do số lượng học sinh ngày một tăng, trong khi cơ sở hạ tầng của Trường mầm non xã Thiệu Tiến (huyện Thiệu Hóa) không đủ phòng học và ngày càng xuống cấp, đầu năm 2017, UBND huyện Thiệu Hóa đã ra chủ trương xây lại trường mầm non cho xã Thiệu Tiến và giao UBND xã này làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, trường cao 2 tầng, gồm 12 phòng học. Ngân sách xây trường do UBND xã Thiệu Tiến lấy từ kinh phí cấp quyền sử dụng đất tại địa phương.
Tháng 4.2017, công trình được khởi công xây dựng, dự kiến đến tháng 4.2018 sẽ hoàn thành và hoạt động vào năm học mới 2018 - 2019. Thế nhưng, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành vì đã dừng thi công từ tháng 5.2018, khiến hơn 330 học sinh mẫu giáo của xã này vẫn phải ngồi học chật chội trong trường cũ.
Theo quan sát của phóng viên, khu nhà mới xây có 2 tầng, nằm ngay cạnh khu lớp học cũ của Trường mầm non xã Thiệu Tiến và mới xong phần thô, các hạng mục như lợp mái, ốp lát gạch nền, hệ thống cửa, sơn tường… chưa được hoàn thiện. Trong khi công trình đang xây còn dở dang thì ngay bên cạnh, hơn 330 học sinh mầm non đang phải học dồn trong các lớp chật hẹp mà chưa biết khi nào mới có trường mới.
Theo Ban Giám hiệu Trường mầm non Thiệu Tiến, số phòng học của trường này đang thiếu trầm trọng. Nhà trường phải dùng cả hội trường, nhà hiệu bộ mới bố trí được thành 6 phòng học cho hơn 330 học sinh. Do thiếu chỗ học nên trường phải gộp 2 lớp thành 1 lớp, sĩ số mỗi lớp lên đến 50 - 60 học sinh, gây khó khăn trong việc dạy và học của cô và trò. Nhiều gia đình do biết cơ sở hạ tầng chậc hẹp, không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nên đã đưa con sang các xã lân cận để học.
Ông Ngô Ngọc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Tiến, cho biết trường phải dừng xây dựng và để dở dang hơn 1 năm qua là do thiếu… tiền. Theo đó, nguồn kinh phí xây trường địa phương dựa vào việc “bán” đất, nhưng hiện không thu hồi được đất nông nghiệp để chuyển thành đất ở, nên không có gì để bán lấy tiền xây dựng trường.
“Trường do UBND xã làm chủ đầu tư, với mức đầu tư hơn 7 tỉ đồng. Nhưng do địa phương là xã thuần nông, không có ngân sách xây dựng, nên kinh phí xây trường phải bố trí từ nguồn tiền cấp quyền sử dụng đất. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với huyện làm các thủ tục đền bù, thu hồi đất nông nghiệp quy hoạch thành khu dân cư, sau đó bán đấu giá lấy tiền xây trường. Nhưng khi triển khai chủ trương này thì bà con không đồng ý, nên không thu hồi được đất để bán lấy tiền trả cho nhà thầu. Trường mầm non dở dang vì nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 5.2018, do xã không có tiền trả”, ông Thiềng nói.
Ông Thiềng cũng cho biết thêm, sau khi được vận động, gần đây người dân địa phương đã đồng ý để chính quyền thu hồi đất, bán lấy tiền xây trường. Theo đó, chính quyền sẽ yêu cầu nhà thầu thi công trở lại để hoàn thành công trình, giúp học sinh có đủ phòng học theo quy định.
Bình luận (0)