Báo cáo toàn cầu về thực trạng an toàn giao thông năm 2018 cho biết, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của 2.000 người mỗi ngày; có tới 1/3 số vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong đều xuất phát đến việc sử dụng rượu bia khi lái xe, và giới trẻ là những người có nguy cơ cao nhất.
Chiến dịch "Sức mạnh của nói KHÔNG" hướng tới 10 triệu thanh thiếu niên Việt Nam |
AA |
Trong đó, tại Việt Nam, có tới 32% số vụ tai nạn giao thông ở nam giới và 20% số vụ tai nạn giao thông ở nữ giới đều có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Đặc biệt, 34% số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam đều xuất phát từ nguyên nhân sử dụng rượu bia khi lái xe.
Vấn đề sử dụng rượu bia khi lái xe không còn đơn giản là vấn đề sinh tử của mỗi cá nhân, mà còn có những tác động tiêu cực đối với GDP và nền kinh tế của các nước đang phát triển. Khu vực Đông Nam Á - nơi tốc độ cơ giới hóa nhanh hơn sự phát triển của cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn, khu vực này phải đối mặt với tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ cao thứ hai trên thế giới (cứ 100.000 người sẽ có 20,7 người tử vong vì tai nạn giao thông), ước tính gây ra thiệt hại kinh tế từ 3 - 6% GDP hàng năm.
Mục tiêu 3 về Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc đặt mục tiêu giảm một nửa số người chết và bị thương trên toàn cầu do tai nạn giao thông vào năm 2030. Đây cũng chính là thách thức đặt ra đối với chiến dịch “Sức mạnh của nói KHÔNG”, một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về việc không sử dụng rượu bia khi lái xe, hướng đến đối tượng thanh niên trong độ tuổi được sử dụng rượu bia hợp pháp (từ 18 - 30 tuổi) tại Việt Nam.
Hướng tới 10 triệu thanh thiếu niên
Chiến dịch “Sức mạnh của nói KHÔNG” đặt mục tiêu tiếp cận 10 triệu thanh niên trong độ tuổi sử dụng rượu bia hợp pháp ở 6 nước Đông Nam Á nhằm giáo dục thế hệ trẻ về những hiểm họa có thể gây ra do hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, giúp người trẻ đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn và truyền cảm hứng để họ trở thành người tiên phong xây dựng thói quen sử dụng rượu bia có trách nhiệm trong cộng đồng.
Trong tháng 3, chiến dịch “Sức mạnh của nói KHÔNG” sẽ được triển khai trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để giúp thế hệ trẻ khám phá tầm ảnh hưởng của bản thân đến việc hình thành văn hóa không sử dụng rượu bia khi lái xe.
Giai đoạn đầu của chiến dịch sẽ tập trung phát hành video giới thiệu, quảng cáo và các tài liệu nội dung giáo dục khác trên các trang Facebook của chiến dịch ở mỗi quốc gia trong 6 tuần. Mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là đo lường tác động của chiến dịch đối với sự thay đổi hành vi ở đối tượng thanh niên.
Ông Greig Craft, Chủ tịch AA Việt Nam và Chủ tịch FIA Khu vực II - châu Á Thái Bình Dương, một trong những đơn vị đồng tổ chức chiến dịch, cho biết giới trẻ có tiềm năng to lớn trong việc hình thành hành vi để xây dựng văn hóa giao thông an toàn hơn. AA Việt Nam kỳ vọng chiến dịch sẽ lan truyền cảm hứng thay đổi trong cộng đồng địa phương trên khắp châu Á Thái Bình Dương.
Ông Patrick Madendjian - đồng Chủ tịch Diễn đàn Uống có Trách nhiệm Việt Nam (VARD), khẳng định: “VARD cam kết giải quyết các thách thức liên quan đến việc lạm dụng rượu và trong vài năm qua. Chúng tôi đã hợp tác với các bên liên quan, các cơ quan chức năng để xử lý vấn nạn uống rượu khi lái xe. Hy vọng, chúng ta có thể xây dựng và thúc đẩy văn hóa uống có trách nhiệm ở thanh niên Việt”.
Cùng chia sẻ cách nhìn này khi tham gia chiến dịch, ông Quân Nghiêm, Tổng giám đốc VMA LLC kiêm Chủ tịch FIA ASN tại Việt Nam, cho biết bên cạnh việc lan tỏa phong trào đua xe thể thao tại Việt Nam như một môn thể thao mới, doanh nghiệp này mong muốn tinh thần cũng như kỹ năng của môn thể thao này giúp người tập dễ dàng xử lý mọi tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông trong cuộc sống hàng ngày.
Chiến dịch "Sức mạnh của nói KHÔNG" được phát động bởi Công ty TNHH Câu lạc bộ xe hơi Việt Nam (AA Việt Nam, một thành viên chính thức của Liên đoàn Ô tô Quốc tế - FIA), Diễn đàn Uống có Trách nhiệm Việt Nam (VARD), Công ty TNHH Hiệp hội Thể thao xe động cơ Việt Nam (VMA LLC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam), Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam (Protec).
Bình luận (0)