Theo ông Trương Hòa Bình, việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Các đại biểu tham gia hội thảo - Ảnh: Phan Thương |
Tại hội thảo “Lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để triển khai vào án lệ” do TAND tối cao tổ chức ở TP.HCM hôm qua 19.3, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao cho biết đã công bố 35 bản án, quyết định giám đốc thẩm trên cổng thông tin điện tử của TAND tối cao để thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp luật.
Trong đó gồm 21 án dân sự, 9 án hình sự, 3 án kinh doanh thương mại và 2 án hành chính. Các bản án, quyết định này chưa phải án lệ mà chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ. Sau khi được đa số các ý kiến đồng tình, Hội đồng tư vấn án lệ sẽ xem xét và trình Hội đồng thẩm phán TAND tối cao công nhận là án lệ.
Trong hồ sơ đề cử án lệ lần này, đáng chú ý là một số vụ từng thu hút sự quan tâm của dư luận tại TP.HCM. Chẳng hạn như vụ Ngô Quang Chướng phạm tội “giết người”. Theo hồ sơ, Chướng và ông Đặng Xuân Sỹ có mâu thuẫn nên Chướng nhờ Vũ Văn Luân đánh dằn mặt ông Sỹ. Luân nhận lời và sai đàn em đâm ông Sỹ tử vong. TAND TP.HCM xử sơ thẩm phạt Chướng tù chung thân, Luân tử hình về tội giết người. Viện KSND TP kháng nghị đề nghị tăng hình phạt Chướng lên tử hình nhưng Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm. Sau đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại theo hướng xử phạt Chướng tử hình vì “người giữ vai trò chủ mưu không thể có hình phạt thấp hơn người thực hành”.
Một vụ án khác được đề xuất làm án lệ là vụ Cao Trần Thị Hồng Thắm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng lúc chị Kim Anh đi tắm, Thắm dắt trộm chiếc mô tô của Kim Anh ra thì gặp anh Trần Minh Đức (chồng chị Anh) nên giả vờ hỏi mượn xe đi mua đồ. Anh Đức tưởng vợ mình đã đồng ý nên để Thắm lấy xe. Sau đó, Thắm đem xe đi cầm được 6 triệu đồng rồi bỏ trốn. Tháng 6.2015, TAND Q.12 (TP.HCM) xử Thắm 1 năm 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Viện KSND Q.12 kháng nghị xử Thắm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. TAND TP sau đó xử phúc thẩm tuyên Thắm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với nhận định hành vi của Thắm ban đầu là trộm cắp nhưng sau đó đã có gian dối khi hỏi mượn xe với anh Đức. Hành vi này đã chuyển hóa thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo ông Trương Hòa Bình, việc ban hành và áp dụng án lệ sẽ đáp ứng yêu cầu bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Trong bối cảnh những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, nhiều vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể thì việc áp dụng án lệ là phương thức hiệu quả để khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật, đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tạo tính ổn định, minh bạch trong xét xử.
Tại hội thảo này, lãnh đạo TAND tối cao cũng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý, những người làm công tác thực tiễn tiếp tục đóng góp ý kiến và đề xuất thêm những bản án điển hình để phát triển thành án lệ.
Có nên “mã hóa” án lệ ?
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá cao việc tập hợp các bản án làm án lệ và cho rằng từ những án lệ đó, các thẩm phán sẽ có một chuẩn mực ngoài các quy định pháp luật để xử án hợp lý, thống nhất hơn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn về việc có nên “mã hóa án lệ” hay giữ nguyên nội dung bản án và công bố thông tin của đương sự. Các đại biểu cũng đề xuất nên chủ động soạn thảo, xây dựng các bản án chuẩn mực để làm án lệ chứ không chỉ dừng ở việc tìm kiếm, chọn lựa từ thực tiễn đã xét xử.
|
Bình luận (0)