36 năm ngày Thanh Niên phát hành số báo đầu tiên (3.1.1986 - 3.1.2022): Ngày đầu đợt dịch lịch sử

03/01/2022 06:37 GMT+7

Tôi nhớ như in thời điểm gần 19 giờ ngày 26.5.2021, khi ngành y tế TP.HCM phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bỏ dở bữa cơm tối, tôi vội phóng xe tới khu vực đường Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận - nơi ca bệnh làm việc, đang bị tạm phong tỏa để điều tra dịch tễ và không quên nhắn tin cho PV ảnh Độc Lập. Mặt khác, PV Khánh Trần được điều động đi Hóc Môn - nơi bệnh nhân sinh sống. Gần 2 giờ tác nghiệp phía ngoài hàng rào khu vực phong tỏa, khi những dòng tin và ảnh được gửi về tòa soạn thì chúng tôi nhận được tin 2 ca bệnh còn lại đang sinh sống tại Q.12. Giữa đêm khuya, tôi cùng PV Độc Lập, Khánh Trần “hội quân” ở Q.12 và tác nghiệp đến tận 2 giờ sáng, khi việc lấy mẫu những người dân ở đây hoàn tất.

Phóng viên Duy Tính tác nghiệp ở khu vực phong tỏa đầu đợt dịch

NVCC

Đêm đó, 3 chúng tôi đã chạy qua rất nhiều con hẻm ở P.3, Q.Gò Vấp, nơi có ổ dịch lớn đang được phong tỏa, để ghi nhận. Đó cũng là mở đầu cho những ngày nóng bỏng nhất của đợt dịch lịch sử tại TP.HCM. Sau đó, chúng tôi ngày cũng như đêm tới mọi ngõ ngách của TP.HCM để đưa những thông tin mới nhất đến bạn đọc.

Một ngày của PV y tế thường bắt đầu lúc 5 - 6 giờ sáng. Đầu tiên là cập nhật thông tin từ Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Tiếp đến là xác minh những thông tin các điểm phong tỏa, rồi đi đến các điểm phong tỏa; vào các bệnh viện điều trị Covid-19 phỏng vấn bác sĩ, bệnh nhân; dự các cuộc họp của ngành y tế để nắm thông tin; dự họp báo...

Thời điểm đó, một ngày trung bình chúng tôi viết 7 - 8 tin bài, có ngày gấp đôi con số này. 2 máy điện thoại luôn nóng với liên tiếp những cuộc gọi từ người dân, đồng nghiệp, từ lãnh đạo tòa soạn định hướng thông tin cho báo điện tử và chuẩn bị nội dung cho báo in hôm sau. Có những bữa sáng chúng tôi ăn lúc trưa và bữa trưa ăn lúc 22 - 23 giờ, và mì gói có lẽ là món thường xuyên nhất. Đến khuya, khi chắc chắn thông tin đã tạm ổn thì chúng tôi mới dám chợp mắt, điện thoại và máy tính cũng được nghỉ, sạc pin. Có những hôm chúng tôi chờ cập nhật thông tin từ Sở Y tế từng giây, từng phút, đến mức không dám… đi tắm.

Có lần tôi tới Bệnh viện đa khoa Hóc Môn phỏng vấn F0. Đa số F0 ra sân trong khu vực dành cho họ để tập thể dục và chỉ cách khu hành chính một lớp hàng rào. Tận dụng lợi thế địa hình, tôi ghi hình và phỏng vấn qua... hàng rào. Máy ghi âm được đặt sát rào, F0 đứng sát máy ghi âm, tôi cách xa khoảng 4 m. Vậy là tôi và các F0 có thể trao đổi một cách khá thoải mái để tôi hoàn thành bài phỏng vấn.

Trước khi vào bệnh viện điều trị Covid-19 tác nghiệp, chúng tôi đều được tập huấn nhanh về phòng chống nhiễm khuẩn, hướng dẫn mặc và cởi đồ bảo hộ đúng cách. Mặc bộ đồ bảo hộ ấy, mồ hôi tuôn như tắm, có ngứa cũng không dám thò tay gãi, phải chịu trận cho đến lúc làm việc xong, có khi 2 - 3 giờ. Dù vậy chúng tôi không ai kêu ca phàn nàn, vì chỉ cần một chút nếu sơ sẩy là chúng tôi sẽ nhiễm Covid-19. Ngay cả nhân viên y tế còn bị nhiễm huống hồ “tay mơ” như chúng tôi.

Một điều khá thú vị là qua 2 đợt dịch Covid-19, các PV y tế, không chỉ riêng ở Báo Thanh Niên mà còn nhiều báo khác, dù thường xuyên lăn xả ở những điểm nóng, nhưng rất ít người mắc Covid-19, trong đó có tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.