38.000 tỉ vốn đầu tư chưa phân bổ, Chính phủ vẫn xin bổ sung 18.000 tỉ

13/05/2022 12:48 GMT+7

Cho rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất chậm, vẫn còn 38.000 tỉ đồng chưa phân bổ chi tiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình đề xuất bổ sung vốn đầu tư thêm 18.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Tiến độ giải ngân đầu năm 2022 rất chậm

Sáng 13.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2022 cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo tại phiên họp

gia hân

Tờ trình của Chính phủ cho biết, vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến 31.3.2022 là 61.536 tỉ đồng, đạt 11,88% kế hoạch. Còn 38.686 tỉ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, bằng 7,5%.

Chính phủ cũng cho biết, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế) cho phép điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn trong gói phục hồi phát triển kinh tế cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng.

Từ đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư vốn với tổng số vốn là 18.349 tỉ đồng cho 265 dự án, trong đó có 7 nhiệm vụ, dự án hoàn thành, đã bàn giao; 126 dự án chuyển tiếp, 106 dự án khởi công mới.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường đánh giá, với những con số về giải ngân đầu tư công như trên, “tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 rất chậm”.

Do đó, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, không để tình trạng bổ sung vốn nhưng không bảo đảm tiến độ giải ngân số vốn tăng thêm, phải chuyển nguồn, kéo dài sang năm sau, sử dụng vốn không hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, có ý kiến cho rằng, việc xem xét bổ sung dự toán đầu tư công tại thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, do vẫn còn 38.578 tỉ đồng chưa phân bổ hết dự toán được giao; 17 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân.

Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét cắt giảm toàn bộ số vốn các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ, điều chỉnh tăng vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ. Đến hết quý 2 đánh giá cụ thể khả năng thực hiện giải ngân và sau khi có danh mục các dự án cụ thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán để bảo đảm tính khả thi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.

"Cá nhân tôi không đồng tình"

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ không đồng tình với đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn trong năm 2022 mà Chính phủ trình.

“Thường vụ Quốc hội biểu quyết tập thể thì tôi chấp hành nhưng cá nhân tôi không đồng tình. Cứ theo nghị quyết mà làm các đồng chí ạ. Không có nhân nhượng gì chỗ ấy”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, với số vốn bổ sung 18.000 tỉ đồng cho 265 dự án thì bình quân mỗi dự án chỉ được 69 tỉ đồng.

“Manh mún, phân tán, dàn trải rất rõ”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhắc lại, nguyên tắc của Nghị quyết 43 là phải điều hòa vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết để kích thích nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu của gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế 347.000 tỉ đồng là triển khai và giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023, và việc Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung 18.000 tỉ đồng cho năm 2022 thì không "bõ bèn gì" vì chỉ như “muối bỏ bể”, không giải quyết được vấn đề kích thích nền kinh tế.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với ý kiến được nêu trong báo cáo thẩm tra, đề nghị Chính phủ trình tổng thể danh mục dự án của gói hỗ trợ 347.000 tỉ đồng, sau đó rà soát một lần nữa, rồi mới “điều hòa” nguồn vốn để tập trung vào các dự án trọng điểm, “ra tấm ra món” nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong năm 2022 - 2023, đạt được mục tiêu tăng trưởng thêm 2% như nghị quyết đề ra.

“Do đó, tôi đề nghị chưa xem xét vấn đề này. Mặc dù là gấp nhưng với cách thức này, chưa đủ điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu thì chưa xem xét, đề nghị rà soát rồi trình lại”, ông Huệ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông giải trình tại phiên họp

gia hân

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn với tiến độ giải ngân chậm của những tháng đầu năm 2022 và 38.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2022 vẫn chưa được Chính phủ phân bổ chi tiết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ địa chỉ nào, ngành nào, ở đâu và công bố công khai để người dân biết.

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, trong số 38.000 tỉ đồng chưa phân bổ, vốn ngân sách T.Ư trong nước là 11.231 tỉ đồng chưa giao cho 11 bộ, cơ quan T.Ư và 3 địa phương.

Cụ thể, 11 bộ, cơ quan gồm: Văn phòng T.Ư Đảng, TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. 3 địa phương gồm Cao Bằng, Đồng Nai và Quảng Nam.

Cũng theo ông Đông, theo quyết định của Chính phủ cho đến 31.3 nếu bộ, ngành, địa phương nào chưa phân bổ thì sẽ điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác tốt hơn.

Tuy nhiên, đến ngày 31.3, các bộ, ngành, địa phương chưa rà soát được. Đồng thời, theo Nghị định 40 hướng dẫn luật Đầu tư công cho phép đến trước 30.6, nếu các bộ, ngành, địa phương chưa rà soát được thì phối hợp với các bộ, ngành rà soát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển sang các bộ, ngành, cơ quan tốt hơn.

“Chúng tôi kiên quyết đến 30.6 nếu chưa thực hiện được sẽ điều chuyển cho các bộ, ngành khác”, ông Đông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.