Thẻ căn cước tích hợp ADN như thế nào?

30/06/2024 04:11 GMT+7

Bộ Công an vừa có hướng dẫn công dân làm dịch vụ xét nghiệm gen định danh công dân gồm 4 bước. Sau 7 ngày có kết quả, công dân sẽ yêu cầu tích hợp thông tin sinh trắc học ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước tại các cơ quan quản lý căn cước.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70 năm 2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ 1.7. Trong đó nêu rõ về cách thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Thẻ căn cước tích hợp ADN như thế nào?- Ảnh 1.

Từ 1.7, Công an TP.HCM thí điểm thu nhận căn cước có tích hợp sinh trắc học ADN tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Q.1, Tân Bình, TP.Thủ Đức

NHẬT THỊNH

Thông tin sinh trắc học về ADN là gì?

Theo luật Căn cước số 26/2023/QH15, thông tin sinh trắc học về ADN được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước. Đây là một bước tiến mới trong an sinh xã hội với nhiều lợi ích lâu dài cho người dân, cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước. Công dân đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước hoặc qua ứng dụng định danh quốc gia.

Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an cho biết, ADN là phân tử chứa thông tin di truyền, cơ sở cấu thành nên bộ gen của mỗi người, là một tổ hợp nhất định của các đơn vị gọi là Nucleotide với cấu trúc đa dạng, góp phần tạo nên đặc điểm cá nhân (thể chất, ngoại hình, tính cách...) riêng biệt của mỗi người. Do đó, thông tin sinh trắc học ADN hầu như không thay đổi trong suốt cuộc đời, là loại thông tin có tính đặc trưng, đại diện cho một cá thể trọn đời.

Thông tin sinh trắc học về ADN được sử dụng để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm một phần rất nhỏ của ADN gọi là STR, chủ yếu sử dụng trong định danh, truy nguyên cá thể.

Theo Bộ Công an, với công nghệ hiện đại ngày nay, chỉ dựa trên 20 loci tiêu biểu (theo quy định quốc tế) là có thể định danh được một cá thể với độ chính xác cao.

Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội.

Thủ tục thu nhận ADN vào cơ sở dữ liệu về căn cước

Theo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng dẫn công dân làm dịch vụ xét nghiệm gen định danh công dân, gồm 4 bước:

Bước 1 đăng ký và đến điểm lấy mẫu: Công dân liên hệ hotline GeneStory 1800888680 là để được hướng dẫn thủ tục và điều phối tới điểm lấy mẫu gần nhất.

Bước 2 xác thực thông tin: Tại điểm lấy mẫu, tiến hành xác thực công dân bằng thẻ căn cước gắn chip.

Bước 3: Kỹ thuật viên/điều dưỡng thực hiện lấy mẫu. Mẫu được niêm phong và vận chuyển về phòng xét nghiệm của GeneStory để phân tích.

Bước 4: Trả kết quả cho công dân trong vòng 7 ngày làm việc. Sau khi có kết quả, công dân dễ dàng yêu cầu tích hợp thông tin sinh trắc học ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước tại các cơ quan quản lý căn cước.

Thẻ căn cước tích hợp ADN như thế nào?- Ảnh 2.

Từ 1.7 cơ quan quản lý căn cước thực hiện việc cấp, đổi thẻ căn cước cho công dân từ 0 tuổi

NHẬT THỊNH

Bộ Công an cho biết, GeneStory là công ty cung cấp dịch vụ giải mã gen toàn diện, thành lập bởi Tập đoàn Vingroup, là đơn vị được cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an công bố trong danh sách các cơ quan, tổ chức đáp ứng điều kiện để chuyển dữ liệu thông tin ADN về Cơ sở dữ liệu căn cước khi công dân yêu cầu.

Công dân có sẵn kết quả xét nghiệm ADN thì làm sao?

Đối với công dân đã có kết quả xét nghiệm ADN định danh thực hiện tại các cơ quan, tổ chức đảm bảo được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an công bố thì công dân chỉ cần cung cấp thông tin liên quan đến yêu cầu tích hợp cho cơ quan quản lý căn cước. Sau đó, cán bộ thu nhận sẽ thực hiện tiếp nhận yêu cầu tích hợp thông tin ADN.

Trường hợp công dân phát hiện thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước là không chính xác thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý căn cước thực hiện điều chỉnh cho chính xác.

Công an TP.HCM cho biết, từ 1.7 sẽ tổ chức thí điểm thu nhận căn cước có tích hợp sinh trắc học ADN đối với một số trường hợp công dân có nhu cầu tại 4 điểm gồm: PC06, Công an Q.1, Tân Bình, TP.Thủ Đức.

Hồ sơ đề nghị thu thập ADN

Nghị định 70 năm 2024 quy định rõ về trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu về căn cước.

Theo đó, công dân nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước đến cơ quan quản lý căn cước. Hồ sơ đề nghị gồm: phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả xét nghiệm, phân tích, lưu trữ thông tin sinh trắc học về ADN của cơ quan, tổ chức.

Trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Nếu thông tin sinh trắc học về ADN của công dân chưa có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức quy định thì cơ quan quản lý căn cước thông báo cho công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do và hướng dẫn công dân thực hiện thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.