Phần lớn các trường hợp phát ban trên da dù gây khó chịu nhưng lại vô hại. Vết phát ban thường xuất hiện với màu đỏ. Nhưng ở những người có tông màu da sẫm hơn thì vết phát ban có thể có màu tím hoặc xám, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Thông thường, phát ban trên da là do rôm sảy, bệnh vẩy nến, nổi mề đay hay chàm. Nhưng trong một số trường hợp, phát ban trên da có thể là dấu hiệu những những bệnh nguy hiểm sau:
Ung thư hạch
Ung thư hạch là loại ung thư mà tế bào ác tính phát triển từ hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết là mạng lưới các cơ quan, mạch, mô và tuyến trong cơ thể có chức năng loại bỏ độc tố. Một số trường hợp mắc loại ung thư này cũng nhiễm nấm mycosis.
Nấm mycosis khiến da bị ngứa, phát ban và xuất hiện các triệu chứng khá giống bệnh chàm. Do đó, bệnh thường khó chẩn đoán. Trong nhiều trường hợp, nhiễm nấm mycosis phát triển chậm và mất nhiều thời gian mới biểu hiện rõ triệu chứng.
Viêm màng não
Phát ban đỏ trên da có thể là dấu hiệu của viêm màng não. Đây là tình trạng nghiêm trọng, gây viêm niêm mạc quanh não, tủy sống và có thể gây tử vong.
Các chuyên gia lưu ý vết phát ban do viêm màng não có thể không dễ gì nhìn thấy trên những người có làn da sẫm màu. Do đó, người bệnh cần được kiểm tra ở lòng bàn chân và bụng.
Ung thư máu
Ung thư máu sẽ bắt đầu ở tủy xương, sau đó ảnh hưởng đến khắp cơ thể. Ngoài việc khiến cơ thể cực kỳ mệt mỏi, khiến da dễ bầm tím thì bệnh còn gây ra các vết phát ban trên da. Trên thực tế, đó là những đốm xuất huyết do các mạch máu dưới da bị tổn thương. Nhìn bề ngoài, các vết phát ban này khá giống với bệnh viêm da dị ứng.
Rối loạn đông máu
Những vết phát ban có màu tím bầm trên da có thể là dấu hiệu của rối loạn đông máu. Vết phát ban này gọi là ban xuất huyết, gồm những vết ban nhỏ như kim châm và tập hợp lại thành những mảng nhỏ. Nguyên nhân là do lượng tiểu cầu trong máu quá thấp hoặc quá cao. Các bác sĩ khuyến cáo rối loạn đông máu có thể rất nguy hiểm và cần được kiểm tra càng sớm càng tốt, theo Healthline.
Bình luận (0)