Tăng trưởng kinh tế, nhân dân tệ và thị trường chứng khoán là ba trong bốn yếu tố cần lưu ý khi quan sát kinh tế Trung Quốc trong năm sau, theo CNN.
Ảnh: Reuters |
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm nay trước khi lao dốc. Đến giờ, chứng khoán Đại lục đã hồi phục phần nào, song lý do cơ bản cho đợt sụt giảm hồi mùa hè vừa qua - những lo ngại về nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại - vẫn còn đó và ngày càng lớn hơn.
Theo CNN, các số liệu kinh tế Trung Quốc năm nay không khả quan. Các con số GDP hằng quý thể hiện nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang tăng trưởng chậm nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính. GDP cả năm nay, số liệu sẽ được công bố vào tháng 1.2016, rất có thể sẽ gây ra một chút nghi ngờ dù vẫn có thể đạt được mục tiêu 7% mà chính phủ nước này nhắm đến. Dưới đây là 4 câu hỏi quan trọng được đặt ra cho kinh tế Trung Quốc trong năm sau:
1. Tăng trưởng kinh tế sẽ yếu đến mức nào?
Những ngày tăng trưởng chóng mặt của Đại lục đã qua. Các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của CNN dự báo GDP nước này đi lên 6,8% trong năm nay và 6,5% vào năm sau. Dù các con số trên khác xa những gì mà Trung Quốc đã từng cảm thấy hài lòng, cả giới chuyên gia cùng quan chức Đại lục đều nghĩ rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang đi đúng hướng.
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc sẽ cần mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 6,5% để đạt được mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế đạt 12.000 tỉ USD vào năm 2020, hay nói cách khác là gấp đôi kích thước sản lượng kinh tế Trung Quốc lên trong vòng 10 năm. Tham vọng đó sẽ chỉ thành sự thật nếu lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như giáo dục và du lịch, của nước này tiếp tục mở rộng nhanh chóng trong bối cảnh hoạt động sản xuất đang giảm.
Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế Đại lục đang thay đổi. Dịch vụ hiện đóng góp 48% GDP Trung Quốc, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia nước này. Các chuyên gia cho rằng Đại lục sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm ra ngoài lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm tỷ trọng 43% trong nền kinh tế vào năm ngoái.
2. Sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất?
Mặc cho các lo ngại về tăng trưởng yếu đi của nền kinh tế, Bắc Kinh vẫn tránh một gói kích thích kinh tế lớn trong năm nay. Thay vào đó, chính phủ tung ra các biện pháp “kích thích kinh tế nhỏ”, vài lần cắt giảm lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng để khuyến khích cho vay, thúc đẩy nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho phép nhân dân tệ rớt giá, hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
Cuộc họp lớn của chính phủ Trung Quốc vào tháng 3 sắp tới sẽ là tiêu điểm xem xét chính sách tiếp theo. Song giới phân tích cũng không kỳ vọng sẽ có một gói kích thích lớn được tung ra. “Chúng tôi dự báo Đại lục sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính và cho vay để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng không có gói kích thích kinh tế lớn nào”, chuyên gia Wang Tao thuộc ngân hàng UBS nói. Tuy vậy, có thể có thêm 2 đợt cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2016.
3. Liệu Trung Quốc có thể bình ổn thị trường chứng khoán?
Dù hầu hết thị trường chứng khoán Trung Quốc còn bị chi phối bởi các nhà đầu tư trong nước, Bắc Kinh đang muốn khuyến khích giới đầu tư ngoại tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên, các biến động năm nay sẽ khiến kỳ vọng của Trung Quốc trở nên khó khăn.
Giới chức Đại lục đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để chống biến động thị trường quá mức. Từ ngày 1.1 năm sau, một cơ chế ngắt sẽ được áp dụng, giúp tạm ngừng các giao dịch trong vòng 15 phút khi có một chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc dao động lên hoặc xuống trên 5%. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang xem xét việc thay đổi quy tắc cho các doanh nghiệp muốn lên sàn, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bốn tháng các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Ngoài ra, sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và Thâm Quyến cũng có kế hoạch liên kết vào năm sau. Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc cần khôi phục lại niềm tin nơi nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước nếu việc liên kết hai sàn chứng khoán thành công. Một nỗ lực liên kết tương tự giữa sàn Hồng Kông và Thượng Hải đã thất bại trong năm nay.
4. Nhân dân tệ (CNY) sẽ tiếp tục giảm giá trị?
Tính đến nay, bản tệ Trung Quốc giảm gần 5% so với đô la Mỹ, và các nhà phân tích cho rằng CNY sẽ tiếp tục sụt giảm, phản ánh tăng trưởng và thương mại yếu. Một trong các chuyên gia được khảo sát bởi CNN cho hay nhân dân tệ có thể sụt đến mức 7,5 CNY ngang giá 1 USD vào cuối năm 2016, giảm 16% so với mức hiện tại.
Đại lục đã và đang cố gắng để nội tệ nước nhà được công nhận là đồng tiền quốc tế trong thương mại và đầu tư. Tháng 11 vừa qua, CNY được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý cho vào giỏ tiền dự trữ quốc tế. Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 1.10.2016.
Với một bản tệ vừa bước ra thế giới, Trung Quốc giờ đây chịu áp lực gia tăng trong việc phải để cho các yếu tố thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc định giá CNY. Tuần trước, Bắc Kinh cho hay họ sẽ tháo bớt chiếc neo vào USD của CNY, để giá trị bản tệ được xác định bằng một giỏ tiền quốc tế. Trên thế giới, CNY đang ngày càng trở nên quan trọng. Đây là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ tư cho các khoản thanh toán quốc tế.
Bình luận (0)