4 cô gái 'bất động' khi người khác đứng hát Quốc ca: Thật đáng xấu hổ!

09/12/2022 13:33 GMT+7

Câu chuyện 4 cô gái 'bất động' khi người khác đứng hát Quốc ca đã khiến nhiều người cảm thấy "không thể tin được" và "vô cùng thất vọng".

Như Thanh Niên đã đăng tải, trong một sự kiện được cho là ở TP.HCM, 4 cô gái đã 'bất động' khi người khác đứng hát Quốc ca. Họ không hát. Họ cũng chẳng thèm đứng dậy. Họ chỉ im lặng, trơ trơ. Họ ngồi im không nhúc nhích. Sau khi video ghi lại hình ảnh này và chia sẻ trên mạng xã hội, dư luận đã chỉ trích, phẫn nộ với 4 "nhân vật chính" này.

Không có gì thiêng liêng hơn khoảnh khắc đứng nghiêm trang giơ cao tay chào cờ, miệng hát vang bài Quốc ca một cách hào hùng

ảnh chụp màn hình

"Không thể tin được"

Bà Nguyễn Trần Minh Nguyệt, Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của Trường THCS Nguyễn Du (tỉnh Gia Lai) cảm thán: "Tôi rất bất ngờ khi xem video mà 4 cô gái ấy 'ngồi im như tượng' trong một không gian trang trọng và mọi người cùng đồng thanh hát Quốc ca như vậy. Tôi không thể tin được vì sao 4 cô gái ấy lại cố tình không hát Quốc ca cũng như không đứng dậy như mọi người".

Cô Nguyệt cho rằng Quốc ca là bài hát gắn liền với lịch sử đặc biệt, với vận mệnh cũng như ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Chào cờ và hát Quốc ca là nghi lễ thiêng liêng, nghi thức quan trọng thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với tổ quốc. Và việc hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, được quy định hết sức nghiêm túc và cũng là một nét đẹp văn hóa trong mỗi người dân và trong toàn xã hội.

"Chính vì thế, việc 4 cô gái có hành xử không đúng khi mọi người cùng đồng thanh hát Quốc ca là không thể chấp nhận được", cô Nguyệt nói.

Ông Đặng Thanh Hân, Giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Vạn Tường (tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: "Không thể đánh giá một cách chủ quan vì sao họ (4 cô gái - PV) lại ngồi im như vậy khi mà cả hội trường rộng lớn ai cũng đứng dậy để hát Quốc ca. Nhưng có thể thấy 4 cô gái này không lịch sự, không ý tứ. Lẽ ra, khi Quốc ca được vang lên, họ cần đứng dậy để hòa giọng theo. Chứ không thể nào ngồi im và làm việc riêng như thế. Đó là hành động đáng xấu hổ".

Ông Hân nói thêm: "Quốc ca là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Khi những giai điệu và ca từ của Quốc ca vang lên cũng là lúc niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước được trào dâng mạnh mẽ trong lòng mỗi người con đất Việt. Hát Quốc ca là cách để mỗi người tự bồi đắp tinh thần yêu nước, cũng như nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân với đất nước. Việc dửng dưng khi mọi người hát Quốc ca như vậy là điều tối kỵ. Sự dửng dưng này rất đáng xấu hổ và đáng bị phê bình".

Anh Nguyễn Thanh Minh, Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Bình Hải (tỉnh Quảng Ngãi) cũng nói: "4 cô gái ấy đã ở độ tuổi trưởng thành. Họ đã có nhận thức đầy đủ về lòng yêu nước, về ý nghĩa của Quốc ca. Nhưng họ lại có cách xử sự không thể chấp nhận được".

Theo anh Minh, đối với mỗi người được mang trong mình dòng máu Lạc Hồng thì không có gì thiêng liêng hơn khoảnh khắc đứng nghiêm trang giơ cao tay chào cờ, miệng hát vang bài Quốc ca một cách hào hùng. Khoảnh khắc ấy sẽ làm dấy lên lòng yêu nước, niềm tự hào khi được là người con đất Việt.

"Vì lẽ đó, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng với 4 cô gái này", anh Minh chia sẻ.

4 cô gái 'bất động' khi mọi người đều đứng dậy hát Quốc ca

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hát Quốc ca để thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội

Theo bà Đặng Thị Mỹ Thanh, Giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Trung Phú (TP.HCM), Quốc ca là bài hát ca ngợi tinh thần yêu nước, khơi gợi và tán dương truyền thống, lịch sử đấu tranh của Việt Nam. Bài hát Quốc ca có ý nghĩa giáo dục sâu sắc niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc và tình yêu nước đối với mọi người, đặc biệt là người trẻ.

"Chính vì thế, mọi người cần có nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hát Quốc ca. Câu chuyện 4 cô gái 'bất động' khi người khác đứng dậy hát Quốc ca là thể hiện sự yếu kém trong nhận thức", bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, từ câu chuyện của 4 cô gái đang bị chỉ trích này, người trẻ hãy xem đó là bài học kinh nghiệm, tự răn mình để trưởng thành hơn. "Người trẻ hãy hát Quốc ca một cách hùng hồn, nghiêm túc và trang trọng để thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả đối với xã hội và cả dân tộc", bà Thanh gửi gắm.

Hát Quốc ca là cách để thể hiện lòng yêu nước, sự tự hào về dân tộc

T.N

Anh Nguyễn Thanh Minh thì nói thêm: "Khi hát Quốc ca phải đứng nghiêm trang, đứng thẳng, mắt nhìn thẳng vào hướng lá cờ tổ quốc. Hát Quốc ca phải đúng nhịp, phải hát một cách khí thế, hào hùng, hát to và rõ ràng. Đặc biệt, khi hát Quốc ca, cần phải hát bằng cả sự chân thành. Để từ đó, mỗi người có thể cảm nhận được sự thiêng liêng, sự tự hào về đất nước".

"Mỗi người trẻ cần phải hiểu hát Quốc ca là hoạt động thiêng liêng. Tự mỗi người trẻ phải nâng cao ý thức nghiêm túc trong việc hát Quốc ca. Đừng xem nhẹ việc hát Quốc ca, đừng hát Quốc ca một cách hình thức, hời hợt, miễn cưỡng, đối phó. Và nhất là đừng để việc hát Quốc ca mất đi sự tôn nghiêm, như cái cách hành xử "xấu xí" của 4 cô gái đang bị dư luận phản ứng", anh Minh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.