Cơ thể con người hoạt động tuân theo nhịp sinh học tự nhiên. Nhịp sinh học này điều chỉnh nhiều quá trình sinh lý, chẳng hạn như tiêu hóa và chuyển hóa. Càng về cuối ngày, khả năng chuyển hóa thức ăn của cơ thể sẽ giảm dần, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ăn tối trước 7 giờ sẽ giúp giảm cân bằng những cách sau:
Phù hợp với nhịp sinh học
Quá trình trao đổi chất của chúng ta hiệu quả hơn vào đầu ngày. Do đó, ăn tối sớm sẽ cho phép cơ thể xử lý thức ăn và đốt calo hiệu quả hơn. Thời điểm để tận dụng tốt cơ chế của đồng hồ sinh học này là ăn trước 19 giờ.
Tuy nhiên, nếu ăn tối quá muộn, thậm chí vào đêm khuya có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học, dẫn đến tiêu hóa chậm hơn, tích trữ mỡ thừa nhiều hơn và gây tăng cân.
Cải thiện tiêu hóa, giảm tích mỡ
Ăn tối sớm hơn giúp hệ tiêu hóa có đủ thời gian để phân hủy thức ăn trước khi ngủ. Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san American Journal of Gastroenterology phát hiện những người ăn gần giờ đi ngủ có nhiều khả năng bị chứng khó tiêu, trào ngược và chất lượng giấc ngủ kém. Tất cả đều có thể gây cản trở giảm cân.
Không những vậy, khi ăn muộn, cơ thể có xu hướng chuyển calo thành mỡ thừa, thay vì chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho tế bào.
Giảm đường huyết
Ăn quá muộn có thể làm tăng lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ kháng insulin, tình trạng có thể dẫn đến tăng cân và béo phì. Một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Mỹ) thực hiện cho thấy ăn muộn hơn trong ngày khiến đường huyết có xu hướng cao hơn, làm giảm quá trình oxy hóa chất béo, cuối cùng gây tăng cân.
Ngược lại, ăn tối sớm giúp điều chỉnh đường huyết và mức insulin, nhờ đó giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh
Khi ăn sớm, mọi người có xu hướng lên kế hoạch cho bữa ăn kỹ càng và chọn các món lành mạnh hơn. Trong khi đó, ăn tối muộn thường khiến chúng ta ăn vội để kịp giờ đi ngủ. Hệ quả là dễ ăn nhiều hơn mức cần thiết và gây tăng cân, theo Healthline.
Bình luận (0)