WhatsApp đang buộc tất cả người dùng phải đồng ý chính sách bảo mật mới trước ngày 8.2, nếu không sẽ mất quyền truy cập vào ứng dụng. Về cơ bản, điều khoản mới sẽ cho phép chủ sở hữu của WhatsApp là Facebook được quyền truy cập vào thông tin cá nhân nhất định của người dùng. Động thái này đã gây nên nhiều ý kiến tranh cãi và khiến không ít người dùng quyết định chuyển sang các giải pháp thay thế khác, an toàn hơn, tập trung hơn vào quyền riêng tư.
Ngay cả những người tạo ra và bán WhatsApp cho Facebook với giá 18 tỉ USD vào năm 2014 cũng quay lưng lại với ứng dụng nhắn tin này. “Tôi đã bán quyền riêng tư của người dùng vì một mối lợi lớn hơn”, người đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton, nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.
Hiện WhatsApp có hơn 2 tỉ người dùng trên toàn cầu. Cho nên, ngay cả khi hàng triệu người rời bỏ ứng dụng, mức độ phổ biến chung của WhatsApp có thể sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, đối với những ai không hài lòng với quy định mới của WhatsApp, hoặc muốn rời bỏ dần hệ sinh thái ứng dụng của Facebook thì dưới đây là danh sách một số lựa chọn thay thế tốt nhất trong năm 2021 để tham khảo.
Telegram
Có thể nói Telegram là ứng dụng nhắn tin giống với WhatsApp nhất khi hỗ trợ nhiều tính năng chính và một số tính năng bổ sung tương tự. Với hơn 400 triệu người dùng, Telegram hiện là giải pháp thay thế phổ biến và quen thuộc cho nhiều người dùng quan tâm đến quyền riêng tư.
Pavel Durov, người sáng lập Telegram, đã không ngừng chỉ trích WhatsApp về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư, mô tả nó là ứng dụng “nguy hiểm” và khẳng định nó sẽ không bao giờ được bảo mật khi nằm trong quyền sở hữu của Facebook. “Chưa có một ngày nào WhatsApp được bảo mật trong suốt hành trình 10 năm nay”, Pavel Durov viết trong một bài đăng trên blog vào năm ngoái, sau khi điện thoại của ông chủ Amazon Jeff Bezos bị tấn công thông qua một tin nhắn trên WhatsApp.
Signal
Signal là ứng dụng nhắn tin miễn phí, dễ sử dụng và có sẵn trên tất cả các nền tảng internet chính. Tuy nhiên, khác với Telegram và WhatsApp, Signal sử dụng mã nguồn mở cho phép các chuyên gia phát triển bảo mật kiểm tra lỗi và tìm lỗi. Việc bảo mật bổ sung này đi kèm với một số tính năng được hỗ trợ bởi các ứng dụng nhắn tin khác.
Được những người có tiếng nói trong ngành công nghệ như tỉ phú Elon Musk và cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Edward Snowden khuyên dùng, Signal hiện được xem là phương pháp giao tiếp an toàn nhất hiện nay so với bất kỳ ứng dụng nhắn tin chính thống nào khác.
Viber
Viber từ lâu đã là ứng dụng nhắn tin khá phổ biến. Tuy nhiên, người dùng của nó lại có xu hướng tập trung nhiều hơn ở một số khu vực nhất định chứ không phân phối đều và rộng khắp, điều này có nghĩa là một nhóm người dùng nhất định sẽ khó tìm được bạn bè sử dụng Viber trừ khi họ cũng sống ở đó. Cơ sở người dùng cốt lõi của Viber là ở Đông Âu, Bắc Phi và khu vực Trung Đông, bên cạnh sự phân tán rải rác người dùng ở những nơi khác trên thế giới.
Tương tự như Telegram, tất cả tin nhắn trên Viber đều được mã hóa đầu cuối. Ngoài tính năng nhắn tin, trò chuyện nhóm, tin nhắn thoại, cuộc gọi video, người sử dụng Viber còn có thể tự hủy tin nhắn theo thời gian tự thiết lập trước.
Threema
Threema tự mô tả mình là “ứng dụng nhắn tin tức thời được thiết kế để tạo ra càng ít dữ liệu người dùng càng tốt”. Ứng dụng có trụ sở tại Thụy Sĩ cho phép người dùng sử dụng ID gồm 8 chữ số thay vì dùng số điện thoại để kết nối với những người dùng khác, và danh sách liên lạc có thể được xác minh bằng mã QR. Đặc biệt, Threema còn cung cấp một số tính năng không có trong WhatsApp, ví dụ như việc thích các tin nhắn riêng lẻ, hoặc đặt mật khẩu bảo vệ cho các cuộc trò chuyện cá nhân.
Tuy nhiên, không giống với các lựa chọn thay thế nêu trên, Threema là ứng dụng nhắn tin phải trả phí. Một hạn chế nhỏ khác đối với ứng dụng bảo mật tuyệt vời như Threema là với ít hơn 10 triệu lượt tải xuống trên Google Play, người dùng có thể sẽ gặp khó khăn khi tìm người để kết nối.
Bình luận (0)