Tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), cho biết giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với trước.
Theo AAPA, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:
Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì. Nguyên nhân, do 2 nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing đều đang phải xử lý các vấn đề kỹ thuật.
Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới. Boeing lại gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm trễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không.
4 lý do khiến giá vé máy bay 'leo thang'
Theo AAPA, tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm việc bảo đảm lực lượng đội tàu bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên.
Thứ hai, chi phí nhiên liệu tàu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe tạo áp lực lên chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và tiếp tục đặt áp lực này lên giá vé.
Giá nhiên liệu hàng không nói riêng và giá nhiên liệu cho vận tải (xăng, dầu) trong thời gian qua luôn ở mức cao hơn trước đây, trung bình 30 - 40 USD/đơn vị nhiên liệu và sẽ rất khó trở lại mức giá trước đây.
Thứ ba, sau khi kết thúc giai đoạn "du lịch trả thù" do bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã ổn định và dần tăng trở lại.
Các hãng hàng không trên thế giới đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.
Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện sau Covid-19. Việc thiếu hụt các bộ phận nhân lực có kinh nghiệm thực tế, đã làm phát sinh các chi phí không chỉ trong việc đào tạo, bổ sung lực lượng, kéo theo sự gia tăng các chi phí để duy trì ổn định nguồn nhân lực hiện hữu.
Ngoài các nguyên nhân chính trên, việc giá vé máy bay được dự báo giữ xu hướng tăng lên còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu hiện nay, như các áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không.
Cạnh đó, xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay…
Tại Việt Nam, giá vé máy bay nội địa tăng cao đang tác động lớn đến việc đi lại bằng đường hàng không và du lịch của người dân.
Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm nay
Theo số liệu của Global Trend Report do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019.
Tại châu Á tăng 21%; Úc, New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.
Giá vé máy bay hạng phổ thông theo cặp thành phố của một số khu vực trên thế giới từ cuối năm 2023 cũng đã tăng, có chặng lên đến 40% so với năm 2019. Như chặng New York - Chicago tăng 33%; Los Angeles - New York tăng 40%...
FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Bình luận (0)