4 mẫu ô tô gây tranh cãi nhiều nhất Việt Nam năm 2024

11/01/2025 10:57 GMT+7

Giá bán quá cao, thiết kế lạ mắt hay trang bị tính năng không phù hợp với số đông người tiêu dùng ô tô Việt Nam… Suzuki Jimny, Hyundai Santa Fe, Subaru Crosstrek hay Wuling Bingo là những mẫu xe gây tranh cãi tại Việt Nam trong năm 2024.

Bên cạnh những mẫu mã ô tô mới được quan tâm vì giá bán hấp dẫn, thiết kế đột phá hay vượt trội về doanh số; thị trường ô tô Việt trong năm 2024 vừa qua cũng chứng kiến không ít dòng xe mới trình làng, nhưng lại nhanh chóng gây ra những tranh cãi, thậm chí "lùm xùm". Trong đó, đa phần "drama" đến từ giá bán cao bất ngờ hoặc kiểu dáng không thuận mắt số đông.

Thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2024 có nhiều dấu ấn đáng chú ý

Suzuki Jimny "ngáo giá"

Mẫu xe đầu tiên khiến thị trường ô tô Việt Nam xôn xao là Suzuki Jimny. Đầu tháng 4.2024, sau nhiều đồn đoán, mẫu SUV này chính thức được hãng xe Nhật Bản mở bán chính thức tại Việt Nam. Thời điểm đó, Jimny gây chú ý không chỉ bởi kiểu dáng vuông vức, hầm hố; mà còn bởi mức giá 789 triệu đồng.

4 mẫu ô tô gây tranh cãi nhiều nhất Việt Nam năm 2024- Ảnh 1.

Dù là "xe chơi" hướng tới nhóm khách hàng riêng, nhưng Suzuki Jimny vẫn gây tranh cãi với giá bán gần 800 triệu đồng

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Sở dĩ, giá bán này gây tranh cãi là bởi Suzuki Jimny chỉ định vị ở phân khúc A, với kích thước dài, rộng, cao lần lượt chỉ 3.480 x 1.645 x 1.720 (mm), chiều dài cơ sở đạt 2.250 mm; cùng trang bị động cơ dung tích 1.5 lít, công suất 100 mã lực và mô-men xoắn 130 Nm. Tuy nhiên, nhóm xe SUV ở phân hạng này có giá bán quanh ngưỡng 500 triệu đồng.

Ngoài ra, xét về trang bị tiện nghi, công nghệ cũng khá "sơ sài" với màn hình giải trí kích thước 7 inch, ghế trước chỉnh tay 6 hướng, còn ghế phụ chỉnh tay 4 hướng, hệ thống điều hòa tự động một vùng hay ghế ngồi bọc nỉ. Rõ ràng, nếu xét đến hiệu suất vận hành hay tính thực dụng, Jimny không thể so sánh với các dòng xe cùng tầm giá.

Có lẽ, ngay cả với Suzuki, Jimny tại Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm "xe chơi" hoặc có giá trị sưu tầm.

Hyundai Santa Fe thiết kế gây tranh cãi

Một mẫu xe khác cũng gây không ít tranh cãi là Hyundai Santa Fe. Thế hệ mới của mẫu SUV/crossover này bắt đầu phân phối tại thị trường Việt Nam từ nửa cuối tháng 9.2024 với 5 phiên bản đi kèm mức giá niêm yết từ 1,069 đến 1,365 tỉ đồng. Đáng chú ý, ở thế hệ này, Santa Fe không còn xe phiên bản máy dầu vốn được người dùng Việt Nam ưa chuộng.

4 mẫu ô tô gây tranh cãi nhiều nhất Việt Nam năm 2024- Ảnh 2.

Hyundai Santa Fe gây tranh cãi bởi thiết kế phần đuôi xe "lạ mắt" với nhiều người

ẢNH: CƯỜNG VŨ

Ngoài ra, so với bản cũ, ngoại hình mẫu xe Hàn Quốc cũng mới thay đổi gần như hoàn toàn với thiết kế vuông vức, sắc cạnh hơn. Mặc dù vậy, khu vực đuôi xe khiến nhiều người bàn tán bởi cửa cốp phẳng và lớn hơn thế hệ cũ. Hãng xe Hàn Quốc cho biết, sở dĩ chọn thiết kế cửa cốp này nhằm mở rộng khoang hành lý, tăng sự thực dụng cho Hyundai Santa Fe thế hệ thứ 6. Thế nhưng, nhiều khách hàng vẫn cho rằng chi tiết này khiến xe mất cân đối.

Dẫu vậy, bất chấp những phàn nàn từ dư luận, số liệu bán hàng từ TC Motor cho thấy, kết thúc năm 2024, Hyundai Santa Fe tiếp tục là một trong những mẫu xe SUV/crossover 7 chỗ hút khách tại Việt Nam, với doanh số đạt gần 7.000 xe.

Subaru Crosstrek: Xe hạng B giá tiền tỉ

Subaru Crosstrek là một trong những mẫu xe thu hút sự quan tâm của người dùng ô tô giai đoạn cuối năm 2024, khi chính thức trình làng tại Triển lãm ô tô và xe máy Việt Nam 2024 - Vietnam Motor Show 2024. Đáng chú ý, bên cạnh những thay đổi dễ nhận thấy ở ngoại hình so với thế hệ Subaru XV trước đây hay sự xuất hiện của phiên bản động cơ lai xăng - điện (hybrid), giá bán cũng là yếu tố gây tranh cãi ở mẫu xe Nhật Bản.

4 mẫu ô tô gây tranh cãi nhiều nhất Việt Nam năm 2024- Ảnh 3.

Subaru Crosstrek được đánh giá cao ở chất lượng và thương hiệu xe Nhật Bản nhưng bị phàn nàn vì giá bán khá cao

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Bởi theo công bố từ hãng, Crosstrek tại Việt Nam bán ra 2 phiên bản với giá niêm yết từ 1,098 đến 1,268 tỉ đồng. Thời điểm ra mắt, đơn vị phân phối mạnh tay giảm 100 triệu đồng cho nhóm khách đầu tiên, đưa giá thực tế còn từ 998 triệu đồng đến 1,168 tỉ đồng. Nhưng ngay cả khi xét sau ưu đãi, giá bán của mẫu SUV/crossover cỡ B+ này vẫn cao hơn khá nhiều so với mặt bằng phân khúc; đồng thời tiệm cận nhóm xe cùng kiểu loại ở phân khúc trên như C-SUV hay thậm chí cả D-SUV.

Mặc dù vậy, bù lại Crosstrek lại được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, từ độ hoàn thiện, khả năng vận hành và công nghệ an toàn. Mẫu xe này hướng tới nhóm khách hàng riêng yêu thích vị trí ghế lái, mong muốn tìm một mẫu xe khác biệt hoặc thực sự có cảm tình với thương hiệu Nhật.

Wuling Bingo dùng cổng sạc chuẩn Trung Quốc

Một cái tên khác cũng tạo nhiều "drama" trên thị trường ô tô Việt năm 2024 là Wuling Bingo. Ra mắt khách hàng từ đầu tháng 12, Bingo có tổng cộng 4 phiên bản, gồm Bingo 203 km, Bingo 333 km, Bingo 410 km và Bingo 510 km. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, thương hiệu xe Trung Quốc mở bán trước hai phiên bản giữa là Bingo 333 km và Bingo 410 km; giá từ 399 triệu đồng cho bản Bingo 333 km sử dụng pin dung lượng 31,9 kWh và 469 triệu với bản 410 km dùng pin 37,9 kWh.

4 mẫu ô tô gây tranh cãi nhiều nhất Việt Nam năm 2024- Ảnh 4.

Wuling Bingo bán tại Việt Nam nhưng lại bố trí cổng sạc chuẩn GB/T phổ biến ở Trung Quốc

ẢNH: ĐÌNH TUYÊN

Mặc dù vậy, khác với nhiều mẫu xe "đồng hương" vốn hay bị phàn nàn về giá bán, điều gây tranh cãi ở Bingo lại liên quan đến vấn đề sạc điện. Bởi xe trang bị hệ thống sạc nhanh nhưng lại bố trí cổng sạc chuẩn GB/T phổ biến ở Trung Quốc, chưa phải là chuẩn CCS2 như các mẫu xe điện khác đang bán ra thị trường Việt Nam.

Đồng nghĩa, khách hàng khi mua xe Wuling Bingo tại Việt Nam hiện tại chỉ có thể sạc bằng bộ sạc chuyên dụng dành riêng cho xe Wuling chứ không thể sử dụng các bộ sạc khác đang được bán trên thị trường. Để có thể sạc tại các trạm sạc công cộng, chủ xe sẽ phải mua thêm thiết bị chuyển đổi từ cổng CCS2 sang GB/T gắn rời với giá bán khá cao. Tuy nhiên, khả năng tương thích khi sử dụng thiết bị chuyển đổi khi sạc tại trạm công cộng của xe Wuling Bingo vẫn là dấu hỏi lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.