Chiều 13.4, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện các đơn vị liên quan phối hợp với Công an H.Nam Giang để điều tra làm rõ vụ ngạt khí trong hầm sâu khiến 4 người chết.
Hầm vàng trái phép nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: Hoàng Sơn |
Lượng khí độc trong hầm quá lớn
Công an H.Nam Giang cho hay, vào chiều 12.4, nhóm phu vàng gồm 7 người vào một hầm vàng trái phép thuộc khu vực khe Rách, khe Rọm (thôn Dung, TT.Thạnh Mỹ) để tiến hành nổ mìn lấy đất đá bên trong. Ngay sau vụ nổ, 1 trong số 7 người vào hầm bị ngạt rớt xuống hầm sâu. Thấy vậy, những phu vàng khác lao xuống cứu và cùng bị nạn.
Danh tính 4 nạn nhân tử vong được xác định gồm: Cụt Văn Sơn, Cụt Văn Hiếu và Cụt Văn Nam (là 3 anh em ruột, quê tại bản Sa Va, Bảo Thắng, H.Kỳ Sơn, Nghệ An); Nguyễn Kim Vui (trú TT.Thạnh Mỹ, H.Nam Giang, Quảng Nam). Người bị thương nặng là Cụt Văn Dung (trú H.Kỳ Sơn, Nghệ An) hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam. Hai phu vàng thoát nạn là Cụt Văn Hoành và Và Bá Nhia (cùng trú tại tỉnh Nghệ An) hiện đang được lực lượng Công an H.Nam Giang lấy lời khai.
Thượng tá Hà Kế Xuyên, Phó trưởng công an H.Nam Giang cho biết nguyên nhân vụ việc là do sau vụ nổ, không khí trong hầm vàng bị đốt cháy đã sinh ra khí độc. Do không biết nên các phu vàng lần lượt vào hầm để cứu nhau dẫn đến cái chết tập thể. Trong khi đó, 2 nạn nhân may mắn thoát nạn là nhờ khi vào hầm đã kịp thời phát hiện có khí độc nên nhanh chân thoát ra ngoài. Do lượng khí độc tồn dư trong hầm quá lớn nên tối 12.4, khoảng 100 người dân địa phương cùng lực lượng chức năng phải bơm khí ô xy vào hầm trong nhiều giờ mới có thể cho người vào tìm thi thể các nạn nhân.
Ngay trong sáng cùng ngày, UBND H.Nam Giang đã hỗ trợ 40 triệu đồng để thuê xe chở thi thể 3 nạn nhân về Nghệ An mai táng.
“Kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền địa phương không giải quyết”
Ông Ka Phu Tân, Chủ tịch UBND TT.Thạnh Mỹ, cho biết ban đầu có sự nhầm lẫn giữa việc nổ mìn tại hầm vàng với nổ mìn của nhà máy khai thác đá gần đó nên địa phương chưa kiểm tra. Cuối năm 2015, sau khi xác định chính xác việc nổ mìn trái phép từ căn hầm này, địa phương đã lên kế hoạch truy quét nhưng “lại bận lo tết, đến đầu năm 2016 lại bận lo bầu cử nên chưa thể thực hiện được”. “Do bận quá nhiều công việc nên chính quyền chưa thể đi truy quét dù đã có kế hoạch. Mình cũng không nghĩ họ làm sâu đến thế, nguy hiểm đến thế nên tính qua đợt này đã rồi mới đi truy quét, không ngờ giờ lại xảy ra sự cố”, ông Tân phân bua.
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND H.Nam Giang, cho rằng chính quyền thị trấn địa phương đã hết sức chủ quan, không nắm tình hình và không báo cáo huyện về vị trí khai khoáng trái phép đã nêu. “Chỉ đến khi xảy ra vụ việc thì mới vỡ lở. Việc tiếp theo là trên cơ sở kết luận của cơ quan công an chúng tôi sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan”, ông Mai nói.
Chiều qua 13.4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan do quản lý địa bàn lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện, xử lý việc đào hầm trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận (0)