Tối nay 30.7, Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã thông tin về giám sát, điều tra xử lý các ca ngộ độc methanol tại đám cưới ở thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, H.Thường tín (Hà Nội).
Theo báo cáo, tổ điều tra, giám sát đã tiến hành lấy 2 mẫu rượu ngâm táo mèo (1 mẫu tại gia đình tổ chức đám cưới và mẫu còn lại trong đám cưới được mang về nhà của một người trong nhóm 4 bệnh nhân) gửi cơ quan kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol có trong 2 mẫu rượu nêu trên cao gấp nhiều lần ngưỡng cho phép. Ngoài ra, 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu từ 51mg/dL đến 188,8mg/dL.
Rượu ngâm táo mèo này được gia đình tổ chức đám cưới mua 30 lít từ người cung cấp có địa chỉ tại Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Tổ điều tra xác định 4 bệnh nhân là người đã uống rượu tại đám cưới bị ngộ độc methanol; 1 người khác cùng uống rượu tại đám cưới với 4 người ngộ độc đã tử vong không rõ nguyên nhân. Rượu ngâm táo mèo liên quan đến các ca ngộ độc trên.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị Phòng Y tế H.Thường Tín tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiêu hủy số lượng rượu còn lại đã được niêm phong theo quy định. Cùng đó, các đơn vị, địa phương tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu.
"Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại rượu trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép, không bảo đảm kỹ thuật được bày bán trên thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ", Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị.
Trước đó, ngày 23.7, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp), sau khi cùng uống rượu tại đám cưới.
Theo bệnh nhân và người nhà, trưa 20.7, các bệnh nhân nói trên đã ăn tiệc cưới tại gia đình bà N.T.H (ở thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, H.Thường Tín), có uống rượu ngâm táo mèo.
Đến hơn 18 giờ cùng ngày, 4 bệnh nhân nói trên và ông Đ.V.C (56 tuổi ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục uống rượu còn lại trong tiệc cưới tại nhà của một người trong nhóm. Mỗi người uống khoảng 500 ml - 1.000 ml.
Sau đó, các bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu... và được gia đình đưa vào viện điều trị.
Riêng ông Đ.V.C (56 tuổi) về nhà ngủ vào đêm 21.7. Đến sáng 22.7, oogn C. dậy tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt tại nhà. Sáng cùng ngày, ông C. có triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần, đến sáng 23.7 thì tử vong không rõ nguyên nhân.
Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển thành a xít formic gây tổn thương các cơ quan, đặc biệt là thần kinh thị giác và não.
Methanol không khó uống, vị có thể hơi ngọt, uống vào cũng gây say tương tự như rượu thông thường nên thường không thể nhận ra khi uống phải.
Rất nguy hiểm là sau đó, methanol chuyển hóa từ từ, kín đáo và gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Khi có biểu hiện ra bên ngoài thì đã tổn thương rất nhiều, thậm chí mất hẳn chức năng cơ quan hoặc tử vong.
Thực tế ở Việt Nam, do tính chất gây ngộ độc của methanol âm thầm và do sử dụng phải rượu rởm mà người uống không biết, nên đến viện thường quá muộn, nặng và tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 30 - 50%.
Bình luận (0)