4 nguồn lực chính làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

30/10/2024 06:43 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, có 4 nguồn lực chính sẽ được huy động để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29.10.

4 nguồn lực chính làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

ẢNH: VGP

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia và có nhiều năm chuẩn bị cho công tác đầu tư. Về chuẩn bị tài chính, các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra 3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể và 4 phương pháp huy động nguồn lực.

Theo đó, 4 phương án huy động nguồn lực gồm: thứ nhất, xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho 3 giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của luật Ngân sách.

Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao; kết hợp cả ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, ngân sách T.Ư giữ vai trò chủ đạo.

Thứ hai, thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án.

Thứ ba, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức đối tác công tư (PPP).

Thứ tư, huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đối thủ đáng gờm của hàng không

Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 10.

Thông tin thêm về nguồn lực thực hiện dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, quy mô nền kinh tế năm 2023 đã đạt 430 tỉ USD, nợ công cũng ở mức khoảng 37%.

Theo tính toán của tư vấn và các bộ, ngành liên quan, để hoàn thành đường sắt tốc độ cao vào năm 2035, cần bố trí vốn trong khoảng 12 năm.

Mỗi năm bình quân cần 5,6 tỉ USD, tương đương khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay (chiếm 5,5 - 5,7% GDP). Nguồn vốn này bằng khoảng 1,3% GDP năm 2023 và khoảng 1% GDP năm 2027 - thời điểm khởi công dự án.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính, với quy mô nền kinh tế như hiện nay, khả năng bố trí, huy động vốn không phải là quá khó khăn.

Thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao: Đầu tư 50.000 m2 đất cho nghiên cứu, đào tạo

Doanh nghiệp trong nước có cơ hội?

Về cơ chế đặc thù cho dự án, Chính phủ trình 19 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 cơ chế thuộc thẩm quyền Chính phủ, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

4 nguồn lực chính làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

ẢNH: VGP

Nhóm một, phải đảm bảo tính khả thi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm quá trình đầu tư thực hiện thành công. Ví dụ, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, chọn nhà thầu tốt, có tư vấn quốc tế tham gia, để huy động tri thức, kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm thực hiện thành công. Đây là thách thức đã có cơ chế chính sách.

Nhóm hai là các cơ chế chính sách bảo đảm huy động đủ nguồn lực, linh hoạt. Nhóm ba là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đi đôi với kiểm tra giám sát. Đây là chủ trương lớn của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm thứ tư là cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Phải có nhân lực làm chủ công tác vận hành khai thác, sửa chữa, bảo trì thiết bị, hệ thống kết cầu hạ tầng, ta không thể phụ thuộc suốt cả vòng đời dự án. Nhóm thứ năm là phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt.

"Chúng ta tự tin các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, tiến tới làm chủ, chỉ cần cơ chế chính sách", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ như các điều kiện ràng buộc, tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được. Đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. 

"Chúng tôi đã khảo sát, làm việc với doanh nghiệp, ví dụ các doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép hay như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…", ông Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.