Nheo mắt không chỉ là nỗ lực của trẻ để nhìn rõ hơn mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề tiềm ẩn ở thị lực. Nếu không được điều trị, những vấn đề đó có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Những nguyên nhân phổ biến gây nheo mắt ở trẻ em gồm:
Tật khúc xạ
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến trẻ em nheo mắt là tật khúc xạ. Những tật khúc xạ này khiến ánh sáng khi đi vào mắt không tập trung chính xác vào võng mạc, dẫn đến nhìn mờ. Các loại tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị và loạn thị.
Mắt lác
Mắt lác, thường được gọi là mắt lé, là một nguyên nhân khác khiến trẻ nheo mắt. Tình trạng này xảy ra khi hai mắt không thẳng hàng với nhau, gây ra tình trạng nhìn đôi. Để nhìn rõ hơn, trẻ sẽ nheo mắt. Mắt lác cần sớm được chẩn đoán và điều trị để ngăn ngừa các vấn đề về thị lực lâu dài.
Mỏi mắt
Trẻ em dành nhiều thời gian hơn trước màn hình điện thoại, laptop hay máy tính bảng sẽ gây mỏi mắt. Dù là học hay chơi thì việc nhìn liên tục vào màn hình trong thời gian dài cũng sẽ khiến mắt bị căng thẳng và mỏi.
Khi mắt bị mỏi, trẻ em sẽ phản ứng bằng cách nheo mắt lại để có thể nhìn tập trung hơn và giảm mỏi. Trẻ cần được khuyến khích nghỉ mắt thường xuyên và nên ra ngoài trời chơi đùa để giảm mỏi mắt.
Thói quen
Trong một số trường hợp, hành động nheo mắt của trẻ đơn giản chỉ là do thói quen. Trẻ nheo mắt khi có vấn đề thị lực, chẳng hạn như tật khúc xạ, thì khi đã mang kính thì dù đã nhìn rõ nhưng trẻ vẫn có thể nheo mắt do thói quen.
Khi đó, cha mẹ cần tiếp tục quan sát xem trẻ có còn nheo mắt hay không. Một điều cần lưu ý là vẫn có khả năng trẻ còn một vấn đề nào đó gây nheo mắt và cần đến bác sĩ nhãn khoa khám để được chẩn đoán và điều trị.
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ. Những lần khám này sẽ giúp sớm phát hiện bất thường ở mắt và có cách can thiệp sớm, giúp duy trì tốt sức khỏe mắt và ngăn ngừa các tổn thương thị lực lâu dài, theo Medical News Today.
Bình luận (0)