Các triệu chứng thường gặp của cảm lạnh và cảm cúm là chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, đau họng hay nhức đầu. Cả 2 bệnh đều do virus gây ra. Tuy nhiên, cảm cúm có triệu chứng nặng hơn cảm lạnh, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm cảm lạnh và cảm cúm mà mọi người cần chú ý gồm:
Giao thông công cộng
Các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa hay tàu điện ngầm là nơi dễ trở thành trung gian lây bệnh. Đây đều là những nơi mà mọi người thường xuyên tiếp xúc gần và dùng chung tay vịn, ghế ngồi. Nếu có thể, mọi người nên ưu tiên đi vào giờ thấp điểm vì sẽ giúp giảm tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trường học, nhà trẻ
Trong trường học và nhà trẻ sẽ thường xuyên có các hoạt động nhóm, cùng nhau chơi đùa và ăn uống chung. Chính điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm cảm lạnh và cảm cúm. Để giảm nguy cơ này, trẻ nên được khuyến khích thường xuyên rửa tay. Nhà trường cần khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc. Cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin.
Văn phòng, nơi làm việc
Môi trường văn phòng là môi trường mở, nơi nhiều người sẽ cùng làm việc, tương tác và chia sẻ không gian chung từ phòng họp đến phòng nghỉ. Virus cảm cúm có thể dễ dàng lây lan trong không gian này, đặc biệt là qua các vật dụng dùng như như điện thoại bàn, bàn phím hay máy pha cà phê.
Ngoài ra, vì môi trường văn phòng là môi trường trong nhà. Việc ở quá lâu trong môi trường này sẽ dẫn đến ít tiếp xúc không khí trong lành bên ngoài, làm suy yếu khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc cảm cúm.
Bệnh viện, phòng khám
Bệnh viện, phòng khám là nơi có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm cao do tập trung nhiều người bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên mang khẩu trang, rửa tay bằng cồn diệt khuẩn để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Ngoài ra, những cơ sở này cần triển khai các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như thường xuyên vệ sinh các bề mặt, tiêm vắc xin ngừa cảm cúm cho nhân viên và một số biện pháp khác, theo Verywell Health.
Bình luận (0)