40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019: Người mở cửa bắc Phnom Penh

05/01/2019 09:04 GMT+7

'Hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ thuộc Sư đoàn 320 của tôi đã mãi mãi không về', trung tướng Khuất Duy Tiến trầm giọng.

Ngồi kể với tôi về những năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đất nước Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, anh hùng lực lượng vũ trang - trung tướng Khuất Duy Tiến trầm giọng: “Hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ thuộc Sư đoàn 320 của tôi đã mãi mãi không về”.

Thọc sâu bằng xe cơ giới

Tháng 2.1978, khi đang là Phó sư đoàn trưởng 320 (Quân đoàn 3), thượng tá Khuất Duy Tiến được cử ra Hà Nội học bổ túc Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Mới nhập học 2 tháng, Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn ra Hà Nội họp đã đến tìm: “Cậu mới đi mà sư đoàn đã thương vong gần 2.000 người. Tôi đã báo cáo cấp trên cho cậu hoãn học về chiến đấu”. Mấy ngày sau, thượng tá Tiến nhận quyết định bổ nhiệm Sư đoàn trưởng, ra thẳng sân bay Gia Lâm để vào chỉ huy sư đoàn đang ở Tây Ninh.
Cuộc họp đầu tiên của tân sư đoàn trưởng 320 là bàn cách “giành quyền chủ động trong thế phòng ngự trước sự đu bám dai như đỉa đói của địch”. Giữa các ý kiến, ông Tiến đặc biệt chú ý đến đề xuất của đại đội trưởng Trịnh Xuân Lan (sau này là Phó tham mưu trưởng Quân khu 2): “Nó phân thành nhóm nhỏ bu bám thì ta cũng tổ chức lực lượng luồn ra sau lưng nó để đánh lại, triệt phá thủ đoạn của nó”. Sáng kiến của Trịnh Xuân Lan mở ra cách đánh mới trong toàn sư đoàn, cho các đơn vị tổ chức luồn sâu sau lưng địch tấn công buộc chúng phải co về phòng thủ.
Cuối năm 1978 bước vào chiến dịch mùa khô, Bộ Quốc phòng yêu cầu Quân đoàn 3 mở chiến dịch đường 7, trong đó Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia) tấn công sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot nằm tại Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum) với chiều dài gần 100 km qua các tuyến phòng ngự dày đặc.
“Lúc ấy thì 2 - 3 ngày cũng phải chiến thắng, nhưng vất vả, tổn thất và có thể phải chiến đấu kéo dài”, trung tướng Khuất Duy Tiến hồi tưởng lại và kể: “Tôi đề nghị chỉ đánh trong 1 ngày. Tổ chức lực lượng hành tiến thọc sâu bằng cơ giới vượt qua tuyến trực tiếp tiếp xúc, bỏ qua mục tiêu thứ yếu”.
40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019)
Sư đoàn trưởng 320 Khuất Duy Tiến (trái) báo cáo phương án đánh trả quân Pol Pot xâm lược với thiếu tướng Nguyễn Quốc Thước, Tư lệnh Quân đoàn 3. Bên phải là Chính ủy sư đoàn Hà Quốc Toản Ảnh: Quân đoàn 3
Sáng sớm 31.12.1978, hàng trăm xe tăng, thiết giáp, xe kéo pháo, xe vận tải đồng loạt hành quân. Xe tăng và thiết giáp đi trước mở đường, lính Pol Pot vừa tháo chạy vừa rải mìn ngăn chặn làm 2 xe M.113 của Trung đoàn 48 bốc cháy. Đường hẹp, gồ ghề lại phải dừng lại tấn công địch đánh chặn nên phải đi theo “góc phương vị”: Xe tăng đi trước, xe thiết giáp bám theo, sau cùng là xe tải. Gặp sình lầy thì tránh, gặp cây thì chặt...
Chiều 31.12.1978, lực lượng thọc sâu cơ giới áp sát mục tiêu và đồng loạt tấn công khiến lính Pol Pot bị bất ngờ. “Ngày 1.1.1979, chúng tôi đè bẹp từng cụm kháng cự của địch, làm chủ bến phà phía đông Kampong Cham, chuẩn bị vượt sông Mê Kông, mở cánh cửa phía bắc chiến dịch giải phóng thủ đô Phnom Penh. Lính Pol Pot bị xích chân trong các trận địa hỏa lực nên chống trả đến cùng. Vào sở chỉ huy địch, thấy vẫn còn quần áo, tư trang của đám chuyên gia Trung Quốc. Chúng bắt lính mở đường máu trốn thoát”, trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.
“Trong trận này, 1 tổ trinh sát bị Pol Pot phát hiện, bao vây. Ở sở chỉ huy, tôi nghe rõ qua máy vô tuyến PRC-25 từng tiếng súng nổ. Khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, anh em gọi cho tôi: "Báo cáo bố, chúng con thà chết chứ không rơi vào tay địch. Vĩnh biệt bố!" và nổ lựu đạn hy sinh. Mấy đứa ấy, tuổi toàn 18 - 20”, vị tướng già dụi nước mắt, khóc.

Mở cửa Phnom Penh

Muốn chiếm được Kampong Cham để mở cửa vào giải phóng Phnom Penh, phải vượt qua đoạn sông Mê Kông rộng cả ki lô mét nước chảy xiết, 2 bờ dốc đứng và phía tây bên kia, lính Pol Pot tổ chức phòng ngự rất chắc chắn. “Hồi ấy tâm lý bộ đội có nhiều anh nảy sinh tư tưởng dừng lại bên này Mê Kông nên vừa phải ổn định tinh thần anh em, vừa nhanh chóng lập phương án vượt sông”, trung tướng Khuất Duy Tiến kể: “Cách 1 là bí mật vượt sông, nhưng cách này không ổn vì không thể dùng bè mảng, phao bơi đưa cả lực lượng qua sông trước họng súng địch đang chờ sẵn. Cách 2 là vượt sông bằng sức mạnh, dưới sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng”. Tư lệnh quân đoàn Kim Tuấn ra lệnh: “10 giờ sáng 6.1.1979 phải làm chủ thị xã Kampong Cham để mở cửa cho Sư đoàn 10 - lực lượng thọc sâu chiến dịch của quân đoàn, vượt sông tiến vào giải phóng Phnom Penh”, khiến Sư đoàn trưởng 320 Khuất Duy Tiến quyết định: “Vượt bằng sức mạnh”.
Đêm 5.1.1979, các trận địa pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng vào vị trí. 4 giờ 30 sáng 6.1.1978, Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 vượt sông bằng phương pháp bí mật nhưng bị địch phát hiện, dùng hỏa lực dày đặc ngăn chặn khiến 6/9 xuồng máy bị chìm, nhiều bộ đội hy sinh. 5 giờ 45, sư đoàn trưởng lệnh cho các trận địa pháo đồng loạt tấn công bờ bên kia. Pháo phòng không 37 li, 57 li hạ nòng, xe tăng T-54 tiến ra bờ sông dùng pháo 100 li bắn thẳng vào tuyến công sự sát mép nước, yểm trợ cho hàng chục xuồng máy chở bộ đội vượt sông. Sau hồi choáng váng, địch xốc lại đội hình, bắn như đổ đạn vào những chiếc xuồng đổ bộ khiến nhiều bộ đội ta hy sinh...
7 giờ 30, những tay súng còn lại của Tiểu đoàn 7 đánh chiếm thành công đoạn đổ bộ khoảng 300 m, làm bàn đạp cho xe lội nước PT-76 vượt sông chi viện hỏa lực và các đơn vị khác ào ạt đổ bộ, đẩy lính Pol Pot ra phía sau, mở rộng đầu cầu cho công binh kéo phà. “Đúng 10 giờ, TX.Kampong Cham hoàn toàn giải phóng, cửa vào Phnom Penh khai thông. Sư đoàn 10 thọc sâu ào ào vượt sông nhằm thẳng Phnom Penh đánh chiếm bộ tổng tham mưu của quân đội Pol Pot Ieng Sary”, trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại và không nén được xúc động: “11 giờ 30, khi nghe anh em thông tin báo thủ đô Phnom Penh đã được giải phóng, cờ 5 ngọn tháp vàng đã bay trên đỉnh cột cờ hoàng cung, tôi và cậu liên lạc ra bờ sông nhìn xuống, mặt nước tự dưng ngầu đỏ như máu của bao đồng đội tôi”.

Cả đời vì đồng đội

Tháng 12.1983, sau khi Quân đoàn 3 cơ động ra Thái Nguyên làm lực lượng cơ động của Bộ (5.1979), đại tá Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 3. Thời điểm này kinh tế khó khăn, nỗi lo miếng ăn hằng ngày như căn bệnh lan tràn không chỉ trong dân mà với cả các đơn vị quân đội. “Tôi là Tư lệnh quân đoàn mà phải đi kiểm tra bếp ăn để cơm phải cân cho đều, cháy như thế nào, dính nhiều cơm không? Tôi trực tiếp cho luộc 1 kg thịt bắp, thái được 150 miếng thịt. 1 kg thịt ba chỉ thái được 130 miếng thịt. Chia cho bộ đội mỗi bữa mỗi người chỉ được 1 miếng. Có chị em nuôi quân bớt mì chính cho vào lọ Penicillin bị phát hiện khóc tức tưởi. Tôi cũng bật khóc theo vì thấy mình tủi thân và bất lực... Không thể đói khổ, chúng tôi thành lập các đơn vị chăn nuôi, sản xuất, làm kinh tế để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho bộ đội”, ông kể.
Bây giờ, đã ở tuổi gần 90 nhưng trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn dành mọi thời gian cho đồng đội. Không chỉ quyên góp, huy động xây bia ghi tên liệt sĩ ở Chư Bồ - Đức Cơ (Gia Lai), điểm cao Charlie - Delta (Sa Thầy, Kon Tum), Đồng Dù (TP.HCM), ông còn đến tận gia đình cựu binh có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, động viên và kêu gọi giúp đỡ chữa bệnh, xây nhà, làm chế độ... “Tôi không bao giờ đi du lịch hay đi nước ngoài. Khoảng thời gian ấy, tôi đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thăm đồng đội đã nằm xuống, giúp đỡ những đồng đội còn sống. Tôi phải trả ơn họ, họ đã chết để cho tôi được sống. Họ chịu hy sinh, mất mát để tôi có được như ngày hôm nay”, trung tướng nói.
“Tôi nói với bản thân mình, nói với các con tôi rằng được sống đến ngày hôm nay, được khỏe mạnh thế này là hạnh phúc. Hạnh phúc nhất trên đời này là hằng ngày thức dậy trước khi mặt trời mọc, thấy người thân của mình khỏe mạnh và đất nước được yên bình. Tôi đã trải qua 4 cuộc chiến tranh nên hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình.
Dù nhà nước có bù đắp thế nào, tôi có xót thương các đồng đội của tôi đến thế nào thì cũng không thể làm những người đã ngã xuống sống lại. Ở đời này, mạng sống của con người là đáng quý, và chiến tranh có thể tước đoạt mạng sống của bất cứ ai.
Hòa bình là quý giá, sự sống là quý giá, chẳng điều gì có thể đánh đổi tốt hơn đối với hòa bình, và cũng chẳng có sự đánh đổi nào quý giá hơn mạng sống mỗi con người”.
AHLLVTND - trung tướng Khuất Duy Tiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.