40 năm sau cuộc chiến: Washington từng xem báo chí là 'kẻ thù nguy hiểm nhất'

29/04/2015 11:31 GMT+7

(TNO) Cố tổng thống Mỹ Richard Nixon (1913 - 1994) từng tuyên bố: “Kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta có lẽ là báo chí”. Washington muốn các phóng viên chiến trường đứng về phía họ hơn là phơi bày sự thật về chiến tranh Việt Nam cách đây 40 năm.

(TNO) Cố tổng thống Mỹ Richard Nixon (1913 - 1994) từng tuyên bố: “Kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta có lẽ là báo chí”. Washington muốn các phóng viên chiến trường đứng về phía họ hơn là phơi bày sự thật về chiến tranh Việt Nam cách đây 40 năm.

Đại diện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tặng huy hiệu cho phóng viên ảnh chiến trường người Anh Tim Page ngày 28.4 tại TP.HCM - Ảnh: Phúc Duy
“Hai lần Tổng thống Lyndon B. Johnson gây áp lực cho hãng tin AP (Mỹ) đề nghị đưa tôi khỏi chiến trường Việt Nam là vào năm 1965 và 1968”, ông Peter Arnett (81 tuổi), cựu phóng viên chiến trường người Mỹ gốc New Zealand, trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online tại TP.HCM ngày 26.4.
“Tổng thống Johnson và Nixon đều muốn phóng viên chiến trường đứng về phía họ để viết tin bài theo định hướng, chứ không phải phản ánh những gì phóng viên thật sự chứng kiến. Chẳng hạn như hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử người lính Việt Cộng ngay trên đường phố Sài Gòn hay Nick Ut chụp bức ảnh bé gái Kim Phúc bỏ chạy khỏi ngôi làng bị dội bom napalm...”, ông Arnett nói.
Hình bìa của tạp chí Life (Mỹ) ngày 16.4.1965 với hình ảnh của phóng viên chiến trường Larry Burrows (quốc tịch Anh). Hình ảnh và bài viết của Burrows trên Life  tường thuật cuộc hành quân đẫm máu bằng trực thăng của lính thủy đánh bộ Mỹ.
“Họ không muốn những bức ảnh này được công bố, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến dư luận ở nước Mỹ. Nhưng với tư cách là phóng viên chiến trường, chúng tôi phải phơi bày sự thật”, ông Arnett, từng làm việc cho hãng tin AP (Mỹ) và đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ vào loại bài về chiến tranh Việt Nam, cho biết.
Nhà báo L.D. Meagher của CNN hồi 1999 từng viết, quan điểm của Mỹ đối với phóng viên chiến trường nước này lúc bấy giờ có thể được đúc kết từ phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon: “Kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta có lẽ là báo chí”.
Tờ The Washington Post (Mỹ), từng phanh phui vụ vụ bê bối Watergate, dẫn lại một đoạn ghi âm từ phòng Bầu dục trong Nhà Trắng vào ngày 22.2.1971với tiếng ông Nixon nói: “Về ngắn hạn, việc vận hành cuộc chiến này sẽ dễ dàng hơn nếu thực hiện theo kiểu độc tài, giết hết tất cả phóng viên và tiếp tục chiến tranh”.
Khi được hỏi liệu rằng phóng viên chiến trường có lo sợ bị đe dọa tính mạng nếu không làm theo những gì chính phủ Mỹ muốn, ông Arnett nói mặc dù Washington lúc bấy giờ lên án các phóng viên chiến trường nhưng không vụ việc nào cho thấy phóng viên bị giết hại.
“Tôi tin tưởng chính phủ tôi không làm điều đó. Tôi chưa bao giờ sợ bị giết để bịt miệng, tôi chỉ sợ hãi vì sự tàn khốc của chiến tranh”, theo ông Arnett, người từng có bài phỏng vấn độc quyền với trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden cho CNN.
Tuy nhiên, theo ông Arnett, chính phủ Mỹ lúc bấy giờ vẫn cố tác động lên đội ngũ quản lý truyền thông báo đài Mỹ để gây ảnh hưởng và kiểm soát việc tác nghiệp của các phóng viên chiến trường, đồng thời điều chỉnh những đạo luật về quản lý báo chí khi đưa tin về chiến tranh.
Ảnh chụp ông Arnette ở chiến trường Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp
“Các lãnh đạo quân sự và chính trị của Mỹ từng cho rằng chính truyền thông báo đài đưa ra những thông tin tiêu cực về chiến tranh góp phần khiến cho lính Mỹ sụt giảm nhuệ khí chiến đấu”, Giáo sư Carlyle A. Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở thủ đô Canberra (Úc) chuyên nghiên cứu về Việt Nam, cho hay.
Các xướng ngôn viên truyền hình và phóng viên chiến trường Mỹ từng trở thành những người đáng tin cậy hơn cả chính phủ Mỹ khi đưa ra thông tin liên quan đến chiến tranh Việt Nam.
Hơn 50.000 người Mỹ trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam - Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM
“Chính vì những bức ảnh, phóng sự, bản tin truyền hình phần nào làm thay đổi quan điểm người dân Mỹ về Việt Nam. Nhà báo - xướng ngôn viên đài truyền hình CBS (Mỹ) Walter Cronkite thậm chí được còn được mệnh danh là người đàn ông đáng tin cậy nhất nước Mỹ”, ông Tim Page, cựu phóng viên ảnh chiến trường người Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thanh Niên Online tại TP.HCM.
Washington tuyên bố sẽ chiến thắng trong chiến tranh chiến Việt Nam, nhưng dân Mỹ chỉ tin lời ông Cronkite cho rằng Mỹ sẽ bại trận, theo ông Page, người từng bốn lần bị thương nặng nhưng thoát chết khi tác nghiệp ở chiến trường Việt Nam.
Trực thăng yểm trợ bộ binh Mỹ đang bay tới một căn cứ ở đông bắc Sài Gòn. Xăng dầu được dự trữ trong những bồn xăng lớn bằng cao su - Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM
Chính vì những tác động của truyền thông mà ban đầu các cựu binh Mỹ trở về từ Việt Nam bị xem thường. “Nhưng sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhờ vào những bộ phim, sách báo, người dân Mỹ phần nào thay đổi quan điểm về chiến tranh Việt Nam”, theo ông Page, người từng sinh sống tại Mỹ.
“Mặc dù bất kỳ những gì các phóng viên chiến trường nói hoặc viết có thể được dùng để phục vụ lợi ích bất kỳ bên nào, nhưng họ đã góp phần thay đổi chiến tranh bằng sự hiện diện của họ, trở thành một phần của nó như những người lính ở chiến trường”, nhà sử học Mỹ William M. Hammond có viết trong quyển sách Reporting Vietnam: Media and Military at War (tạm dịch Đưa tin về Việt Nam: Cuộc chiến giữa truyền thông và quân đội ).
 “Sau Việt Nam, Mỹ đã rút ra được một bài học là phải kiểm duyệt thông tin, không cho phép báo chí tự do phản ánh những gì phóng viên chứng kiến ở chiến trường, chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Iraq”, cựu phóng viên chiến trường người Anh Michael Nicholson, từng làm việc cho hãng tin ITN (Anh) thời chiến tranh Việt Nam, cho hay trong cuộc phỏng vấn trên đài Al Jazeera (trụ sở Qatar) ngày 28.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.