|
Kỷ niệm không quên
Năm 1962, khi còn là học sinh cấp 2 Trường THCS Đô Lương (Nghệ An), ông Dụy đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua thông tin trên báo, đài. Cũng vì ngưỡng mộ Đại tướng mà ông bỏ dở việc học để tham gia bộ đội ra đa phòng không 18 Ba Bể (Quân chủng Phòng không - Không quân) và từng giữ chức đại đội trưởng. Ông Dụy còn nhớ ngày 1.10.1964, đại đội của ông được điều lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tại đây, lần đầu tiên đơn vị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện và bắt tay động viên.
Ông Dụy kể: “Khi hay tin Đại tướng đến thăm, anh em trong đơn vị ai cũng hồi hộp. Tuy nhiên, sau đó Đại tướng bảo chúng tôi quây quần lại hỏi thăm đời sống anh em chiến sĩ. Ông giản dị, gần gũi hơn chúng tôi tưởng. Đại tướng xem chúng tôi như người thân, không khoảng cách giữa lãnh đạo và người lính”. Ông Dụy kể tiếp: “Chiều 19.7.1965, máy móc của đại đội được tạm ngưng hoạt động để bảo quản, không ngờ bị máy bay địch oanh kích làm 2 đồng chí hy sinh, tôi cũng bị thương ở chân. Hay tin, tuần sau Đại tướng lại xuống thăm hỏi, động viên. Đại tướng chỉ đạo nhanh chóng khôi phục trận địa, nén đau thương, đoàn kết để đánh thắng giặc. Lời động viên của Đại tướng giúp chúng tôi đoàn kết chiến đấu đến ngày toàn thắng. Đại tướng là thần tượng của cuộc đời tôi, nên từ đó mọi thông tin, hình ảnh về ông tôi đều cất giữ”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Dụy công tác tại Công ty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang, sau đó là UBND tỉnh, rồi tham gia cộng tác Hội Cựu chiến binh… Dù ở đâu, làm gì, hình ảnh, bài báo về vị Đại tướng vẫn được ông Dụy cất giữ rất kỹ. Trước đây, mỗi tháng ông trích ra từ 80.000 - 100.000 đồng và hiện nay là 300.000 - 400.000 đồng từ tiền lương hưu để tìm mua sách báo, tạp chí có ảnh, bài viết về Tướng Giáp.
Bộ sưu tập 40 năm
Sau gần 40 năm, khi bộ sưu tập ngày càng dày thêm, ông Dụy mua dụng cụ về nhà đóng lại thành nhiều cuốn theo các kích cỡ bài báo, chủ đề và giai đoạn cách mạng một cách khoa học, tỉ mỉ. Trên tựa đề mỗi quyển, ông Dụy đều chú thích rõ ràng, cụ thể. Hiện căn phòng khoảng 16 m2 của ông đã trở nên chật hẹp hơn khi chứa tới 2 tủ và 1 kệ đựng trên 300 tập đủ kích cỡ được ông đóng gói bảo quản ngăn nắp. Trong đó, trên 100 tập tư liệu, bài báo, ảnh về Bác Hồ; 20 tập (khoảng 6.000 trang) về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cất trong tủ sắt. Những tư liệu quý giá mà theo ông Dụy khó có thể tìm kiếm được là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lau nước mắt khi tới thăm nghĩa trang liệt sĩ dưới đồi A1, thắp nén hương tưởng niệm đồng đội tại Điện Biên Phủ; ảnh Đại tướng thăm hỏi, xin ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ vào những năm kháng chiến gian khổ trong Chiến dịch biên giới năm 1950; các bài viết về người “Chiến sĩ Điện Biên Phủ số 1” đăng nhiều trên các báo...
“Bác Hồ dạy làm việc gì có lợi cho dân, cho nước thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì tránh và Đại tướng đã làm được điều đó. Hiện nay, nhiều người lo làm giàu, xem nhẹ giáo dục truyền thống, việc này rất nguy hiểm. Do đó, cần giáo dục niềm tin, sự tự hào, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ. Tuy mỗi người có năng khiếu riêng, nhưng cùng phấn đấu để đạt được mục đích chung, chứ không phải vì một việc gì khác mà sao nhãng, bỏ cái chung”, ông Dụy chia sẻ. Vào dịp khai giảng năm học mới, ông Dụy thường được các trường trên địa bàn mời đến nói chuyện truyền thống. Và những tư liệu quý về vị Đại tướng huyền thoại có dịp được ông Dụy kể cho học sinh nghe. “Những lúc như thế tôi thật sự rất hạnh phúc vì cảm thấy mình đã làm được một việc có ý nghĩa”, ông Dụy khiêm tốn nói.
Giang Sơn - Quốc Trinh
Bình luận (0)