Đại sứ quán Nga tại Ba Lan. |
EPA |
"Cùng với việc áp đặt đủ các thể loại cấm vận, thì cách trừng phạt Moscow được [phương Tây] yêu thích nhất là trục xuất các nhà ngoại giao Nga", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Yevgeny Ivanov nói tại một hội nghị hôm 25.4, theo hãng tin TASS. Ông cho biết việc trục xuất này đã bắt đầu từ trước khi Nga đưa quân vào Ukraine.
"Tính từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra đến nay, khoảng 400 nhân sự thuộc các phái đoàn ngoại giao của Nga đã bị trục xuất khỏi 28 nước phương Tây. Dẫn đầu là Ba Lan, Đức, Slovenia, Slovakia, Croatia, Pháp, Ý và Tây Ban Nha", ông nói.
400 nhà ngoại giao Nga bị các nước phương Tây trục xuất |
Quy mô các cơ quan lãnh sự ở nhiều nước cũng bị giảm xuống, ông Ivanov cho biết. "Mục đích là gây khó khăn cho việc cung cấp hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ công dân và những người yêu nước Nga sống tại các nước này", theo vị quan chức.
"Việc cắt giảm thực tế đến mức tối thiểu bộ máy cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở một số quốc gia có nghĩa là phương Tây đã chuyển sang hướng cô lập Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau", ông Ivanov nói.
Theo một bài viết trên tạp chí Foreign Policy hôm 7.4, ít nhất 394 nhân sự tại các cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở phương Tây đã bị trục xuất từ khi Nga đưa quân vào Ukraine. Làn sóng trục xuất tương tự xảy ra gần nhất là vào năm 2018, khi Moscow bị cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc một cựu điệp viên hai mang của nước này trên đất Anh. Tuy nhiên, hầu hết các nước phương Tây đều chỉ dừng ở mức trục xuất viên chức ngoại giao cấp thấp hơn thay vì đại sứ Nga.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 25.4 cho biết các nhà ngoại giao Mỹ sẽ quay lại Ukraine và Washington đang cân nhắc mở lại đại sứ quán ở Kyiv trong vài tuần tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng công bố ý định đề xuất bà Bridget Brink, đại sứ Mỹ tại Slovakia, làm đại sứ tại Ukraine. Mỹ đã không có đại sứ ở Kyiv từ giữa năm 2019.
Mỹ cũng sẽ tổ chức hội nghị với hơn 40 nước tại Đức trong ngày 26.4 để thảo luận các vấn đề liên quan đến Ukraine, với sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Theo tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, mục tiêu chính của hội nghị là đồng bộ và điều phối các nỗ lực hỗ trợ an ninh cho Kyiv, bao gồm vũ khí hạng nặng như lựu pháo, cũng như máy bay không người lái và đạn dược. Hội nghị diễn ra tại căn cứ không quân Ramstein ở Frankfurt.
Mỹ viện trợ quân sự thêm 322 triệu USD, tin Ukraine sẽ chiến thắng |
Ông Blinken và ông Austin đã có chuyến thăm Kyiv hôm 24.4, trở thành các quan chức cấp cao đầu tiên của chính quyền Mỹ đặt chân đến Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra hôm 24.2. Hai bộ trưởng đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức khác của Ukraine, cam kết tăng cường chi viện cho Kyiv trước các cuộc tiến quân mới của Nga.
Bình luận (0)