(TNO) Tiếng đồn về người phụ nữ kỳ lạ đã hơn 10 năm qua không hề chợp mắt khiến thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, H.Đại Lộc, Quảng Nam bỗng dưng cũng nổi tiếng lây.
Video clip: Kỳ lạ bà lão 10 năm không ngủ
Theo quốc lộ 14B thẳng vào xã Đại Hiệp, đến chợ xã, hỏi nhà bà Trần Thị Bảy ở thôn Phú Quý không ai không biết, những người chạy xe ôm ở quanh đó cũng sốt sắng dẫn khách vào con đường bê tông, chỉ tận nhà bà Bảy.
Hiện nay, vợ chồng bà Bảy ở cùng gia đình người con trai thứ 6 trong căn nhà mà hai ông bà xây dựng sau năm 1975.
Bà Bảy năm nay 72 tuổi, tuy nhiên trước khi bị mất ngủ, người dân địa phương ít biết bà mà biết đến chồng bà nhiều hơn bởi ông Lê Đề (75 tuổi) ngày xưa nhiều năm liền là lao động giỏi của hợp tác xã.
Bà Bảy kể, hơn 10 năm về trước, ông Đề chồng bà đổ bệnh nặng do lớn tuổi và bị mất sức lao động, không thể gánh vác chuyện đồng áng, ruộng vườn.
Ngoài 70 tuổi, bà Bảy vẫn khỏe mạnh chăm sóc chồng đau ốm và lo việc nhà - Ảnh: N.Tú
|
Thương chồng đau ốm, trong khi con cái có gia đình ở riêng cũng nghèo khó, một tay bà vừa nuôi chồng và lo việc nhà.
Nhưng cũng kể từ đó, bà Bảy ít ngủ dần. Ban đầu, bà cứ tưởng đó chỉ là dấu hiệu bình thường của tuổi già nhưng càng ngày, “bình minh” của bà Bảy cứ sớm hơn.
Thông thường buổi sớm, người trong thôn Phú Quý dậy thổi lửa nấu cơm ăn rồi ra đồng.
Biết bà khó ngủ, nhiều gia đình hàng xóm cũng đồng cảm, dậy sớm hơn một chút để cùng ra đồng cho bà Bảy vui.
Dần dà, bà Bảy cứ dậy sớm hơn nữa, hàng xóm cũng không theo nổi để cùng bà ra đồng nên từ đó, bà Bảy thui thủi vác cuốc một mình khi thời khắc vừa bắt đầu điểm sang ngày mới.
“Hồi ban đầu, tui thấy không ngủ thì có thời gian làm được nhiều việc, tui thấy cũng hay hay, nhưng miết rồi nửa đêm cứ cặm cụi một mình cũng buồn”, bà Bảy nói.
Ngay cả những ngày làm việc mệt nhọc, bà Bảy vẫn không thể chợp mắt - Ảnh: N.Tú
|
Thấy tình trạng của mẹ như vậy, những người con của bà Bảy, kể cả từ Bình Định, TP.HCM trở về, đưa bà đi khắp nơi chữa trị, uống đủ loại thuốc nhưng bà Bảy vẫn không ngủ được.
“Bệnh viện lớn ở TP.Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam cùng nhiều cơ sở Đông y chẩn đoán mẹ tui bị suy nhược thần kinh, chữa trị hơn 10 năm qua vẫn không giúp mẹ tui ngủ được, nên mẹ cũng không chịu đi khám nữa”, anh Lê Khánh Vang, 41 tuổi, con trai thứ 6 của bà Bảy nói.
Bà cũng đã thử mọi cách, từ chuyện gắng làm việc quá sức để mỏi mệt rã rời, khi nằm xuống, mắt cố nhắm chặt nhưng bà cũng không thể nào đi vào giấc ngủ. Bà cũng đã thử uống một chút bia, rượu nhưng hai mắt vẫn trơ trơ.
Màn đêm buông xuống đối với bà Bảy là sự khỏi đầu của một ngày mới. Sau khi nằm một chút cho đỡ mỏi lưng, bà bắt đầu dậy đi cắt rau, nấu cám cho heo ăn.
Một mình bà lo toan hai sào lúa, một sào khoai và sắn cùng vườn rau đủ loại. Ban ngày, chờ mọi người trong nhà thức dậy, bà mới bắt đầu quét sân, dọn dẹp nhà cửa, phơi sắn, làm cỏ, bắt sâu và chăm tưới khắp vườn.
Bà Bảy bên vườn rau sau nhà - Ảnh: N.Tú
|
Đã 72 tuổi, nhưng bà cho biết từ nhỏ đến nay, bà chưa từng đau ốm và ăn uống rất đầy đủ, ngon miệng. Có hôm làm việc quá sức cùng với mất ngủ kéo dài khiến cơ thể mỏi mệt, bà đi nằm cho đỡ đau lưng rồi lại dậy tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, cũng do không ngủ trong suốt thời gian dài, bà Bảy đã sụt hơn 5 kg.
Ông Hoàng Phi Hải, 59 tuổi, hàng xóm bà Bảy, cho biết: “Bà Bảy không ngủ được cũng có cái hay. Bà Bảy thính lắm, động tĩnh chi ngoài đường bà Bảy cũng biết. Thỉnh thoảng, trong thôn xảy ra tình trạng bắt trộm chó, bà hay báo cho hàng xóm xung quanh”.
Chồng bà Bảy, ông Lê Đề thì mong bà chữa được chứng mất ngủ. Trong khi đó, bà Bảy còn nhiều dự định, bà vừa mới dựng lại chuồng bò, cải tạo hai ao cá và ấp ủ ý định vay tiền thả cá, nuôi bò cho qua những đêm trắng.
Bình luận (0)