Vào tối 11.5, mưa lớn nhiều giờ đã cuốn theo những khối đá lớn và tro bụi từ sườn núi lửa Marapi, một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, nằm trên đảo Sumatra. Trận lũ quét đã làm ngập đường sá, nhà cửa và các nhà thờ Hồi giáo, theo AFP.
"Theo dữ liệu tính đến đêm qua, chúng tôi ghi nhận 37 nạn nhân thiệt mạng... Song từ sáng nay, con số này lại tăng nữa, lên tới 41 người", AFP dẫn lời ông Ilham Wahab, quan chức tại cơ quan phòng chống thiên tai tỉnh Tây Sumatra, cho biết ngày 13.5.

Lũ quét mang theo dung nham lạnh từ núi lửa ở Tanah Datar
REUTERS

Đường sá bị hư hỏng và xe bị cuốn trôi tại Tanah Datar
AFP
Theo vị quan chức, lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm 17 người vẫn mất tích, bao gồm 3 người ở huyện Agam và 14 người ở huyện Tanah Datar, đều thuộc tỉnh Tây Sumatra. Đây là hai khu vực bị trận lũ quét tàn phá nặng nề nhất và là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người.
Tỉnh trưởng Tây Sumatra Mahyeldi Ansharullah cùng ngày cho hay khoảng 130 người đã được sơ tán đến một trường tiểu học ở Agam, trong khi hơn 2.000 người đã được sơ tán đến một số nơi tại Tanah Datar.

Xe bị cuốn trôi tại Agam
REUTERS
Mưa lớn làm ngập các khu dân cư trong biển nước bùn lầy và cuốn theo các phương tiện giao thông xuống con sông gần đó, trong khi tro và đá núi lửa chảy xuống từ núi lửa Marapi.
Dung nham lạnh - tiếng địa phương gọi là "lahar" - là thuật ngữ chỉ hiện tượng vật chất núi lửa như tro, cát và sỏi trôi xuống theo sườn núi lửa do tác động của mưa.

Ít nhất 41 người đã được xác nhận thiệt mạng trong thiên tai ở tỉnh Tây Sumatra
REUTERS

Mặt đất lầy lội vì lũ quét vì dung nham lạnh tại Tanah Datar
REUTERS
Vụ phun trào lớn gần đây nhất của núi lửa Marapi diễn ra vào tháng 12 năm ngoái. Tháp tro bụi cao khoảng 3.000 mét tính từ đỉnh núi, cao hơn độ cao của chính ngọn núi lửa này.
Trong một diễn biến khác, núi lửa Ibu tại tỉnh Bắc Maluku ở miền đông Indonesia đã phun trào hôm nay 13.5, tạo ra tháp tro bụi khổng lồ, sau khi chính quyền nâng cảnh báo lên mức cao thứ hai vào tuần trước.

Núi lửa Ibu phun trào hôm 13.5
AFP
Không có thiệt hại hay thương vong nào được báo cáo ngay lập tức nhưng hình ảnh cho thấy tháp tro bụi thoát ra từ đỉnh núi cao đến 5 km. Theo các nhà chức trách, đây là một trong những vụ phun trào núi lửa mạnh nhất trong những tháng gần đây tại Indonesia.
Ibu cũng là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, phun trào hơn 21.000 lần vào năm ngoái.
Quốc gia quần đảo Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương.
Bình luận (0)