Trong phòng truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị (còn gọi là Đại học Chính trị), có một không gian trang trọng đặt di ảnh của 22 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc đầu năm 1979, khi đang thực tập tại các đơn vị thuộc Quân khu 1 ở biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn…
Trong 22 liệt sĩ Trường Sĩ quan Chính trị hy sinh tại biên giới phía bắc đầu 1979, có một học viên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là trung úy Phan Đình Linh.
Di ảnh 22 liệt sĩ trong phòng truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị |
“Thần đồng” làng biển
Ở làng biển Yên Khánh (xã Xuân Yên, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông Phan Đình Mân (1929 - 2015) và bà Nguyễn Thị Chí (1932 - 2006) có 7 người con, trong đó anh Phan Đình Linh là con đầu. Năm 1964, ông Mân sang nước bạn Lào làm chuyên gia quân sự, bà Chí mướt mải với công việc ở xã, nên mọi việc nhà dồn lên vai cậu con trưởng Phan Đình Linh, khi đó mới 11 tuổi. Mặc dù vậy, nhưng anh Linh học rất giỏi, thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh toàn đạt giải nhất, nhì.
Năm 1970, đang học lớp 10, anh Linh xung phong đi bộ đội nhưng không được. Tháng 7.1971, anh Linh tốt nghiệp cấp 3, cương quyết nhập ngũ. Trước ngày đi thì được gọi học Đại học An ninh, anh Linh bảo với mẹ: “Con đi bộ đội trước, hòa bình về đi đại học cũng không muộn”.
Cuối tháng 8.1971, chiến sĩ Phan Đình Linh nhập ngũ vào Tiểu đoàn 44, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh (năm 1973 sáp nhập với một số đơn vị khác thành Trung đoàn 176 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào), sang chiến đấu tại tỉnh Bolikhamsai (Lào). Lúc này, ông Phan Đình Mân là chuyên gia quân sự địa bàn, thấy có đơn vị mới sang, tìm đến gặp đồng hương để hỏi thăm và sững người khi thấy con trai Phan Đình Linh mặc quân phục.
Tháng 8.1976, thượng sĩ Phan Đình Linh được gọi về Trường Sĩ quan Chính trị, học lớp chính trị viên đại đội. Tốt nghiệp loại giỏi, được phong quân hàm trung úy. Tháng 10.1978, anh được Bộ Quốc phòng cử học tiếp lớp đào tạo giáo viên chuyên ban Kinh tế chính trị, ngay tại Trường Sĩ quan Chính trị.
Ông Phan Đình Nga bên bàn thờ anh trai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Linh |
MAI THANH HẢI |
Đánh giáp lá cà
Tháng 1.1979, trung úy Phan Đình Linh được cử đi thực tập làm Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, Quân khu 1. Tài liệu của Trường Sĩ quan Chính trị ghi lại: Ngày 17.2.1979, lính Trung Quốc tấn công dữ dội vào trận địa, Phan Đình Linh đã tổ chức - chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều quân địch.
Do có kinh nghiệm chiến đấu, ngày 22.2.1979, Phan Đình Linh được điều về làm Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 chốt giữ điểm cao 815 (xã Hùng Quốc, H.Trà Lĩnh, Cao Bằng - nay là TT.Trà Lĩnh, H.Trùng Khánh, Cao Bằng). Qua một số ngày đêm liên tục chiến đấu ác liệt, đơn vị thương vong nhiều. Trong những giây phút hiểm nghèo, Phan Đình Linh vẫn bình tĩnh sử dụng các loại vũ khí còn lại đánh địch, động viên bộ đội kiên cường giữ vững trận địa.
“Tháng 1.1979, Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức cho 238 học viên (thuộc các lớp chuyên ban: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Lịch sử Đảng và lớp Văn hóa quần chúng) cùng một số cán bộ đi thực tập ở các đơn vị tại Cao Bằng và Lạng Sơn. Theo kế hoạch, ngày 20.2.1979, đoàn thực tập sẽ trở về trường. Ngày 17.2.1979, chiến sự nổ ra. Ban chỉ đạo thực tập xin ý kiến chỉ đạo và nhận được mệnh lệnh ngắn gọn của Ban giám hiệu: “Tất cả về đơn vị nắm quân chiến đấu, ngày về tính sau”.
Các cán bộ - học viên nhà trường đã xung phong lên các điểm tựa tiền tiêu. Trong đó, 218 đồng chí đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Ở một số đơn vị, do thiếu vắng cán bộ chỉ huy nên nhiều học viên được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Họ đã đứng vững ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy, giữ chắc trận địa phòng ngự. Trong cuộc chiến ác liệt đó, 22 học viên của nhà trường đã mãi mãi ở lại nơi biên cương của Tổ quốc”…
(Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Ngày 27.2.1979, địch tăng cường các loại hỏa lực và bộ binh ồ ạt đánh vào trận địa. Dưới làn mưa đạn, khói lửa mịt mù, đơn vị của trung úy Phan Đình Linh chiến đấu vô cùng anh dũng và bị tổn thất nặng nề. Khoảng 10 giờ sáng 27.2.1979, lính Trung Quốc tràn vào trận địa, đơn vị chỉ còn 4 người sống sót, trung úy Linh bật lưỡi lê đánh giáp lá cà, nhặt lựu đạn của địch ném trả, tiêu diệt hàng chục quân địch; và anh đã hy sinh cùng đồng đội.
Ngày 20.12.1979, liệt sĩ Phan Đình Linh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Chiến công hạng Ba.
Lễ truy điệu gió
Chúng tôi về Hà Tĩnh tìm gia đình liệt sĩ Phan Đình Linh, mãi mới gặp được bà Phạm Thị Vượng (69 tuổi) là vợ của liệt sĩ. Bà Vượng kể: Hai người yêu nhau từ hồi học cấp 3. Hồi ấy, ông Linh gầy ốm bởi chưa bao giờ được ăn no, toàn phải nhường các em, và ngoài giờ đi học ông xin làm kế toán cho hợp tác xã để lấy công điểm đổi thóc. Tháng 8.1971, ông Linh nhập ngũ thì cuối năm bà cũng nhập ngũ, vào làm y tá tại đội điều trị 44 (nay là Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4). Qua 2 lần dự định nhưng không thành, mãi đến tháng 6.1978 ông bà mới cưới nhau và là đám cưới “nếp sống mới” đầu tiên của xã. Tháng 9.1978, ông Linh về thăm nhà trước khi lên biên giới Cao Bằng thực tập, khi ấy bà Vượng mới có bầu được 3 tháng.
“Thường thì tôi chỉ tiễn anh ấy ra đến cầu Bến Thủy, nhưng lần này anh ấy nói đưa ra tận ga Vinh. Lên tàu là ngồi viết thư cho tôi, ra đến trường lại viết tiếp, khiến những ngày sau tôi liên tục nhận thư. Đầu tháng 1.1979 anh ấy lên biên giới, gửi vải về làm tã cho con gái sắp chào đời và viết thư cho mẹ tôi, nhờ ông bà chăm sóc 2 mẹ con”, bà Vượng nhớ lại vậy và trầm giọng: “Khi biết tin anh Linh hy sinh, mẹ chồng tôi như phát điên bởi đặt hết hy vọng vào anh ấy. Bố chồng thì khăng khăng bắt cậu em thứ 3 (Phan Đình Long) nhập ngũ ngay tháng 3.1979 để trả thù cho anh, tuy cậu thứ 2 (Phan Đình Nga) đã đi bộ đội từ 3.1975”…
Ông Phan Đình Nga (66 tuổi) kể: “Đầu tháng 6.1979, đơn vị gửi giấy báo tử nhưng gia đình vẫn chưa biết chính xác nơi chôn cất. Thấy mẹ tôi đau đớn quá, bố tôi phải giả là đã lấy được thi hài, tổ chức lễ đón - truy điệu và chôn cất mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ, để mẹ tôi nguôi ngoai”. (còn tiếp)
Cùng ngã xuống ở cao điểm 815
Tại cao điểm 815 (TT.Trà Lĩnh, H.Trùng Khánh, Cao Bằng) cùng ngã xuống với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Linh, còn có thiếu úy - học viên Nguyễn Hữu Quế (sinh năm 1952, quê ở xã Hoằng Cát, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhập ngũ năm 1971 và hy sinh ngày đầu cuộc chiến đấu, 17.2.1979.
Chúng tôi tìm về Thanh Hóa, gặp ông Nguyễn Quốc Ngọc (62 tuổi) là cháu ruột đang thờ cúng liệt sĩ, được biết: Chú Quế nhập ngũ được nửa năm thì bố mất. Khi chú hy sinh, bà mẹ đau đớn mỏi mòn đến mù cả 2 mắt và 3 năm sau cũng mất. Vợ chú là cô giáo Tạ Thị Lan, khi chồng mất khoảng 5 - 6 năm cũng xin đi làm công nhân lâm trường ở huyện khác.
Năm 1997, ông Ngọc đi tìm mộ chú theo địa chỉ ghi trong giấy báo tử, ra bản Cốc Càng, Hùng Quốc (nay là TT.Trà Lĩnh, H.Trùng Khánh, Cao Bằng) năn nỉ với người quản trang cho di chuyển và đưa xương cốt liệt sĩ vào ba lô, đi 3 ngày đêm mới về tới quê.
“Hồi ấy gia đình tôi tự cất bốc, không qua chính quyền nên sau đó phải đưa ra khu mộ của dòng họ”, ông Ngọc dẫn tôi ra nghĩa trang thắp hương cho ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Quế mới được tôn tạo lại, rồi bảo: “Tự bỏ tiền làm cho chú thôi”.
Bình luận (0)