76 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023)

44 năm tìm mộ em trai: Ngôi mộ cuối nghĩa trang

25/07/2023 08:40 GMT+7

Gần 2 năm, PV Thanh Niên đã tìm nhân chứng ở các địa phương để làm rõ trường hợp của liệt sĩ Hoàng Văn Phú, hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới Mèo Vạc, Hà Giang ngày 5.3.1979 và giúp thân nhân liệt sĩ nhận mộ người thân, sau 44 năm gia đình kiếm tìm.

Chiều ấy, có điều gì rất lạ đã giữ chân chúng tôi, dừng lại trước phần mộ liệt sĩ Hoàng Văn Phú bia ghi sơ sài, nằm cuối nghĩa trang liệt sĩ H.Mèo Vạc, Hà Giang. Người quản trang kể: "Cả nghĩa trang, mỗi liệt sĩ này ở Cao Bằng và mấy chục năm nay, không người thân viếng thăm"…

44 năm tìm mộ em trai?: Ngôi mộ cuối nghĩa trang  - Ảnh 1.

Bia ghi tên liệt sĩ xã Sơn Vĩ có tên liệt sĩ Hoàng Văn Phú (số thứ tự 11)

Người Cao Bằng nằm lại ở Hà Giang

Cuối năm 2021, Báo Thanh Niên triển khai loạt bài viết chuẩn bị cho sự kiện 43 năm mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2022). Chúng tôi từ TP.HCM bay ra Hà Nội, lên xã Sơn Vĩ xa xôi khó khăn, vất vả nhất của H.Mèo Vạc (Hà Giang) để tìm lại câu chuyện về những trận đánh chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới Tổ quốc, của bộ đội Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Làn, tỉnh Hà Tuyên (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Giang), trong những ngày đầu năm 1979, nhất là trận ngày 17.2.1979 và 5.3.1979.

Kết thúc việc ở địa bàn, chúng tôi hỏi phần mộ 4 liệt sĩ Đồn biên phòng Sơn Vĩ hy sinh cùng ngày 5.3.1979 thì nhận được câu trả lời: "Đã đưa hết về quê. Riêng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài, khi hy sinh là thượng úy - đồn trưởng, thì ở nghĩa trang Vị Xuyên".

44 năm tìm mộ em trai?: Ngôi mộ cuối nghĩa trang  - Ảnh 2.

Bộ đội Đồn biên phòng Lũng Cú viếng mộ liệt sĩ Hoàng Văn Phú

Khi về lại TP.Hà Giang, chúng tôi xuống Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên tìm kiếm nhưng không thấy phần mộ Anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài. Hỏi một số cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc những năm 1979 - 1980, mới biết vẫn còn 4 phần mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ H.Mèo Vạc. Do thời gian công tác đã hết, chúng tôi phải về lại TP.HCM.

Đầu năm 2022, nhân chuyến công tác ở Hà Giang, chúng tôi quyết định thuê xe máy chạy từ TP.Hà Giang lên Nghĩa trang liệt sĩ H.Mèo Vạc để tìm và ghi hình các phần mộ liệt sĩ. Nghĩa trang nằm ven đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, hiện có 142 mộ liệt sĩ (8 mộ chưa xác định được thông tin), hầu hết chữ trên bia mộ đều mờ, khó đọc rõ thông tin.

Trong trận đánh ngày 5.3.1979, Đồn Lũng Làn có 4 chiến sĩ hy sinh. Ngoài phần mộ của thiếu úy Nguyễn Hồng Cẩm (sinh năm 1949 ở xã Phương Thiện, TP.Hà Giang, nhập ngũ tháng 8.1969) đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hà Giang và mộ binh nhất Hoàng Bá Chí (sinh 1960, ở Tân Phú, Tân Sơn, Phú Thọ, nhập ngũ tháng 8.1978) có ghi "hài cốt liệt sĩ đã di chuyển", thì còn phần mộ của liệt sĩ Lộc Viễn Tài và Hoàng Văn Phú.

44 năm tìm mộ em trai?: Ngôi mộ cuối nghĩa trang  - Ảnh 3.

Thượng tá Hoàng Văn Tựt kể lại chuyện chiến đấu vào năm 1979

Mộ của Anh hùng - liệt sĩ Lộc Viễn Tài nằm thứ 3, phía bên phải đài tưởng niệm liệt sĩ của nghĩa trang. Phần mộ ghi đầy đủ thông tin, nhưng bia đá cũ kỹ, nhiều vết xước và nét chữ mờ, ít ai biết là mộ của anh hùng.

Riêng với phần mộ ghi tên liệt sĩ Hoàng Văn Phú, nằm gần tường rào nghĩa trang, thông tin chỉ đơn giản "quê Ngọc Khê, Trùng Khánh, Cao Bằng; đồn Lũng Làn; hy sinh ngày 5.3.1979". Tìm hiểu từ những người dân sống xung quanh và cán bộ làm công tác thương binh xã hội ở H.Mèo Vạc, ai cũng nói: "Chưa thấy người thân đến viếng thăm mộ"…

44 năm tìm mộ em trai?: Ngôi mộ cuối nghĩa trang  - Ảnh 4.

Nghĩa trang liệt sĩ H.Mèo Vạc, Hà Giang

MAI THANH HẢI

Đi tìm thân nhân liệt sĩ

Ngay sau khi gặp phần mộ liệt sĩ Hoàng Văn Phú, chúng tôi tìm đọc biên niên sử Đồn biên phòng Sơn Vĩ (xuất bản năm 2009), thấy tên anh trong danh sách thương binh liệt sĩ của đồn ở cuối cuốn sách, ghi vẻn vẹn "quê Cao Bằng".

Đến Bộ chỉ huy BĐBP Hà Giang, tiếp cận danh sách cán bộ, chiến sĩ hy sinh từ năm 1959 đến nay, nhưng tìm đi tìm lại mãi, chúng tôi vẫn không thấy tên liệt sĩ Hoàng Văn Phú. Đại tá Lưu Đức Hùng (nguyên Chính ủy BĐBP Hà Giang), sau khi nghe câu chuyện của chúng tôi và cùng tìm đọc tài liệu, bật ra ý tưởng: "Hay là chiến sĩ của Cao Bằng sang Hà Giang làm nhiệm vụ và hy sinh, được chôn cất tại Hà Giang. Hồi trước, tôi có nghe loáng thoáng chuyện năm 1979, có thành lập chốt liên tỉnh ở khu vực giáp ranh Cao Bằng - Hà Giang", và gợi ý: "Quê Cao Bằng thì rất có thể là chiến sĩ của Cao Bằng. Thử hỏi bên Cao Bằng xem có lưu trữ không?".

Sau khá nhiều thời gian liên lạc, tôi mới gặp được cán bộ phụ trách công tác chính sách của Bộ chỉ huy BĐBP Cao Bằng. Vài ngày kiểm tra thông tin, cán bộ này trả lời: "Liệt sĩ Hoàng Văn Phú có tên lưu tại BĐBP Cao Bằng, nhưng không có hồ sơ gốc". Khi chúng tôi hỏi thông tin gia đình, cán bộ này hứa hẹn: "Sẽ xác minh thêm và thông tin lại sau"…

Câu hỏi đặt ra: Hoàng Văn Phú là ai? Là chiến sĩ Cao Bằng sao lại hy sinh và chôn cất ở Hà Giang? Trường hợp hy sinh cụ thể ra sao? Gia đình, vợ con thế nào và họ có biết phần mộ liệt sĩ đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ H.Mèo Vạc, Hà Giang?... Các PV Thanh Niên quyết tâm làm rõ những câu hỏi này và tìm cho bằng được thân nhân liệt sĩ Hoàng Văn Phú.

(còn tiếp)

Năm 1979, tôi 39 tuổi, là thượng úy - chính trị viên Đồn Công an nhân dân vũ trang Săm Pun thuộc tỉnh Hà Tuyên (nay là Đồn biên phòng Xín Cái, thuộc BĐBP Hà Giang) đóng quân ở khu vực biên giới Mèo Vạc, tiếp giáp với Đồn Lũng Làn (nay là Đồn biên phòng Sơn Vĩ).

Qua họp hành, giao ban và công tác qua lại giữa 2 đồn, tôi được biết từ trước tháng 2.1979, bên Lũng Làn thành lập 1 chốt hỗn hợp gồm bộ đội của đồn Lũng Làn, Hà Tuyên (nay là Sơn Vĩ, Hà Giang) và đồn Cốc Pàng, Cao Bằng, để quản lý bảo vệ khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Đầu năm 1979, khi quân Trung Quốc tấn công xâm lược tuyến biên giới Mèo Vạc, bộ đội các đồn Săm Pun, Lũng Làn đã kiên cường đánh trả quân xâm lược và nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Riêng tại Lũng Làn, do nằm quá xa, đường sá đi lại khó khăn, địch gài mìn và phục kích khắp nơi, nên cả tuần sau, lực lượng chi viện mới lên tới nơi và làm công tác tử sĩ.

Nghe anh em kể lại, trong số bộ đội đồn Lũng Làn hy sinh, có 1 chiến sĩ đồn Cốc Pàng (Cao Bằng) tăng cường cho chốt hỗn hợp. Do lúc ấy chiến sự căng thẳng, các đồn rút hết về tuyến sau, đường sá đi lại quá khó khăn, thi hài để lâu hư hỏng, nên anh em không chuyển được sang Cao Bằng, phải chôn cất chiến sĩ Cao Bằng ở nghĩa trang đồn Lũng Làn…

Thượng tá Hoàng Văn Tựt (cán bộ Bộ chỉ huy BĐBP Hà Giang, 83 tuổi, đang sống tại H.Bắc Quang, Hà Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.