4,4 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam

17/10/2020 13:29 GMT+7

Tính chung các dự án hợp tác đầu tư cho giáo dục còn hiệu lực của nước ngoài tại Việt Nam hiện nay gần 4,4 tỉ USD.

Ngày 16.10, tại TP. HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức “Diễn đàn hợp tác và đầu tư cho giáo dục” với sự tham gia của các tổ chức trong nước và nước ngoài. 
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, cho biết đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.

Theo ông Phúc, tính đến 31.12.2019, Việt Nam đã có 525 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỉ USD,  tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước. Số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng trên 3,5 tỉ USD. Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục ĐH và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục ĐH. Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ông Dante Brandi, Tổng Lãnh sự Ý tại Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn

Đăng Nguyên

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, cho biết với số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay hơn 23 triệu, có thể thấy nhu cầu tại Việt Nam là rất lớn. Trong khi hiện có 192.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, chứng tỏ khả năng tài chính của người dân Việt Nam rất tốt. Họ sẵn sàng đầu tư tiền của để con học ở môi trường giáo dục có chất lượng. Nếu có thể thu hút được một phần trong số những sinh viên này học tập tại Việt Nam thì rất tốt. Như vậy sẽ không bị chảy máu chất xám, chảy nguồn tiền ra nước ngoài nhưng quan trọng chất lượng giáo dục phải tốt.

Cũng theo ông Hưng, số lượng sinh viên quốc tế trong thời gian vừa qua đến Việt Nam cũng tăng rất nhanh, mỗi năm tăng 10%. Trong năm năm vừa qua có hơn 21.000 sinh viên quốc tế đến Việt Nam.

Đối với chính quyền địa phương, muốn thu hút đầu tư cho giáo dục, theo ông Hưng, cần hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đơn giản thủ tục hành chính, giao đất sạch cho giáo dục và lập danh mục đầu tư rõ ràng. Trong khi đó, các trường ĐH cần phải nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu, chuyển giao - công nhận tín chỉ, các chương trình liên kết đào tạo thực hiện với đối tác chất lượng cao và tích cực nâng cao thứ hạng thế giới. Còn các trường học thì thúc đẩy hợp tác quốc tế, cung cấp chương trình giáo dục chất lượng cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.