46,2% doanh nghiệp không hề hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

12/08/2019 19:45 GMT+7

Doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với trường nghề chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, với 12,3%, trong khi có đến 46,2% doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với cơ sở giáo dục nghề nghiệp .

Báo cáo thẩm tra mới đây của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra rằng, tuy thời gian qua, hoạt động giáo dục nghề nghiệp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo nghề nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập.

Chủ yếu là đào tạo sơ cấp và ngắn hạn

Theo báo cáo, quy mô, cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu tập trung ở trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp ngắn hạn, trong khi đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 20 - 25%.
Năm 2017, cả nước tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng là 230.400 người, chiếm 10,2%; trình độ trung cấp khoảng 310.000 học sinh, chiếm 13,5%. Con số này năm 2018 cũng chỉ nhích lên được chút ít.
Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu còn rất khó khăn. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo và giữa các vùng miền chậm được khắc phục. Ngoài ra, điều kiện bảo đảm còn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Việc xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn chậm, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và của người sử dụng lao động.
Năm 2018, cơ quan quản lý nhà nước đã phối hợp với các bên liên quan xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên, so với thực tiễn hàng ngàn ngành nghề hiện nay, con số này không đáng kể...

Doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với đào tạo nghề

Đáng chú ý, theo báo cáo, việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, gắn đào tạo với đáp ứng nhu cầu thị trường lao động còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hợp tác với trường nghề trong đào tạo còn hạn chế.
Tính đến năm 2018, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 538 cơ sở thuộc doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có hoặc thỉnh thoảng hợp tác với doanh nghiệp mới chỉ chiếm 41,5%; doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với trường nghề chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 12,3%, trong khi có đến 46,2% doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 
Theo cơ quan thẩm tra, cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo đảm lợi ích cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp và nhà trường trong việc hợp tác, hỗ trợ đào tạo còn chưa rõ ràng, vì vậy, chưa tạo được động lực cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đồng thuận cùng các trường tham gia công tác đào tạo sinh viên. 
Liên quan tới hiệu quả, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo đánh giá là hoạt động thu thập, phân tích thông tin về nhu cầu thị trường lao động còn chưa chuyên nghiệp; thông tin của bộ dữ liệu còn chưa thực sự đáng tin cậy, dẫn tới dự báo đưa ra chưa sát với thực tiễn, chưa trở thành căn cứ cho các cơ sở xây dựng định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Cho tới nay, mới chỉ có 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phê duyệt thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện, nhưng vẫn chưa được tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động một cách đầy đủ....

Chỉ 10% học sinh theo học nghề 

Theo báo cáo, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích như thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng đặc thù (phụ nữ, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo,...) cũng như chính sách sử dụng, tôn vinh người học nghề sau tốt nghiệp,... song việc phân luồng học sinh còn rất thấp.
Hiện chỉ khoảng 10% học sinh theo học các trình độ đào tạo nghề nghiệp, chưa đạt mục tiêu đề ra là phấn đấu đến năm 2020 ít nhất 30% và năm 2025 ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ sơ cấp, trung cấp.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của một số địa phương còn hạn chế; chưa có sự phối hợp một cách đồng bộ giữa các ban, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh THCS vào học giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống thông tin thị trường lao động nghèo nàn, công tác dự báo còn hạn chế; một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.