Ngày 31.1, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai công tác năm 2018, Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) TP.Hà Nội, công bố số liệu thống kê cho biết có đến 499 điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn thành phố.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, số điểm giữ xe không phép nằm rải rác ở tất cả các quận huyện trên địa bàn, nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Nếu chỉ tính doanh thu vài triệu đồng/điểm/ngày, thì 499 điểm giữ xe đã khiến ngân sách thất thu hàng tỉ đồng mỗi ngày, chưa kể rất nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, nguy cơ cháy nổ từ những điểm này.
Điều đáng nói, tình trạng giữ xe không phép, sai phạm giá, có dấu hiệu “bảo kê” tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, thách thức chính quyền địa phương. Gần đây nhất, ngày 15.1, Thanh Niên đã có bài điều tra Tăng giá vé giữ xe, tiền vào túi ai? phản ánh các điểm giữ xe sai phạm về giá, không vé, các bãi giữ xe tự phát không phép... ở Hà Nội. Thế nhưng, thời điểm này nhiều bãi giữ xe vẫn hoạt động ì xèo.
“Ở đây không cần vé”
Trong ngày 1.2, PV Thanh Niên trở lại các bãi giữ ô tô thu quá giá quy định từng phản ánh trong bài Tăng giá vé giữ xe, tiền vào túi ai?.
tin liên quan
Tăng giá giữ xe: Tiền vào túi ai?Lúc 16 giờ 50, chúng tôi vào gửi tại bãi xe trên phố Thái Phiên, là điểm trông giữ của Công ty TNHH đầu tư và phát triển Anh Duy đã được Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép. Theo quan sát, khách gửi xe ở đây không được xé vé khi trả tiền. Đến khi chúng tôi ra hiệu cho xe rời bãi, một nam nhân viên tại đây báo giá 50.000 đồng với thời gian 1 giờ đầu tiên. Khi thắc mắc mức giá này cao và yêu cầu vé, nhân viên này quả quyết: “50.000 đồng là rẻ nhất, gửi ở đây không cần vé”. Trong khi đó, ở bãi gửi xe trên phố Lê Đại Hành của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có mức giá 25.000 đồng/giờ đầu tiên được ghi công khai trên vé giao cho khách.
Tại điểm giữ ô tô có gắn biển được cấp phép cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc trên đường Hoàng Đạo Thúy, Q.Cầu Giấy (Giấy phép 533/GTVT-GTĐT do Sở GTVT cấp ngày 15.11.2014), một người đàn ông không mặc đồng phục thu của chúng tôi 30.000 đồng/lượt cho 2 giờ trông giữ. Khi thắc mắc vì sao không ghi vé thì người này thẳng thừng đáp “không có vé”.
Chúng tôi đến khu đất trống tại địa chỉ 68 Vũ Phạm Hàm (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy), bên ngoài quây tôn kín mít, tại cổng vào dòng chữ “Giữ xe hàng ngày” đã được ghi đè lên thành “Rửa xe hàng ngày”. Sau khi đi lòng vòng trong bãi xe, chúng tôi được một thanh niên hướng dẫn đỗ xe và báo giá 30.000 đồng/xe/2 giờ. Còn gửi theo tháng ở bãi không có mái che là 1 triệu đồng, 1,2 triệu đồng đối với bãi có mái che. Theo người này, sau Tết Nguyên đán, giá trông giữ xe có thể tăng lên theo mức giá chung. Và dù tăng giá thì vẫn đắt khách do đây là bãi trông giữ xe cho hàng loạt tòa chung cư và văn phòng. Khi hỏi về PCCC, người này cho hay bãi đã để nhiều năm và chưa bao giờ có cháy nổ.
Cách đó chừng 2 km, một điểm giữ xe khác ở P.Yên Hòa (Q.Cầu Giấy), gần tòa nhà Green Park, được xây dựng kiên cố với nhiều hệ thống mái che. Một phụ nữ đưa cho chúng tôi hợp đồng nếu gửi tháng thì giá 1 triệu đồng/xe, gửi lượt 30.000 đồng/ngày và 50.000 đồng/đêm. Hợp đồng do ông Nguyễn Văn Q. đứng tên bên A, nhưng theo phụ nữ này, “cứ gửi xe bình thường, hợp đồng ký cũng được, không ký cũng được”.
Phạt xong lại tồn tại ?
Trao đổi với Thanh Niên ngày 1.2 về các điểm giữ xe sai phạm mà báo đã phản ánh trước đó, ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cho biết điểm trông giữ xe của Công ty TNHH Hà Nội Bốn Mùa (Q.Hoàn Kiếm) đã bị xử lý vì trông giữ quá diện tích. “Trong năm 2017 đã phối hợp với thanh tra Sở Tài chính đóng giả người bình thường đi gửi xe để kiểm tra, nhưng anh em thanh tra phản ánh là lúc đứng đó thì nhân viên thu đúng quy định”, ông Hải nói.
Với điểm giữ xe trái phép tại khu vực Linh Đàm, Linh Đường (Q.Hoàng Mai), theo ông Hải, điểm trông giữ xe của Công ty CP thương mại dịch vụ Vương Lê phía giáp tòa nhà HUD3 Linh Đàm và quanh khu chung cư HH2, HH4 (Q.Hoàng Mai) đã bị Thanh tra Sở GTVT phạt 25 triệu đồng và hiện không còn trông giữ phương tiện. Các điểm trông giữ xe tại khu vực chung cư HH1, HH2 Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) bị xử phạt 3,5 triệu đồng, các điểm này giấy phép hết hạn hiện không còn trông giữ.
Tuy nhiên, khảo sát của PV Thanh Niên hôm qua cho thấy, các điểm trông giữ xe của Công ty Vương Lê cũng như các điểm quanh các tòa chung cư HH1, HH2 Linh Đàm vẫn còn hoạt động với cả trăm ô tô gửi.
Đáng chú ý, con số xử phạt hành chính các bãi trông giữ xe trái phép, sai phạm dù khá lớn, nhưng phạt xong các điểm này vẫn tiếp tục tồn tại. Cụ thể, từ 1 - 30.1, thanh tra GTVT đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với 98 trường hợp vi phạm, phạt tiền 411,5 triệu đồng, trong đó địa bàn Q.Ba Đình bị phạt 10 trường hợp với 73 triệu đồng, Q.Đống Đa bị phạt 10 trường hợp với 49 triệu đồng...
Đặt câu hỏi vì sao TP nhiều lần ra quân xử phạt nhưng các điểm sai phạm, trái phép vẫn tiếp tục tồn tại, phải chăng có tình trạng “nhắm mắt làm ngơ”, ông Hải cho rằng rất khó làm ngơ vì có nhiều kênh giám sát từ xã hội, báo chí, nhưng cũng thừa nhận việc kiểm tra, giám sát nhiều nhưng không thể 24/24.
Chấp nhận không phép vì “nhu cầu thực tế” !
Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho rằng, với các điểm trông giữ tự phát tại các khu đất trống, dự án chưa triển khai, thanh tra Sở xử phạt theo thẩm quyền, nhưng việc cấp phép hay xóa bỏ điểm trông giữ thì thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện.
“Như bãi gửi xe tại khu vực P.Yên Hòa (Q.Cầu Giấy) gần tòa nhà Green Park, thanh tra GTVT quận đã xử lý 2 lần, mỗi lần 3,5 triệu đồng. Thanh tra giao thông cũng đã kiến nghị quận nếu không sử dụng đất thì phải thu hồi lại”, ông Hải cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND Q.Cầu Giấy thừa nhận đa phần các bãi trông xe tạm tại các khu đất trống, dự án chưa xây dựng đều không được cấp phép “vì không biết dự án triển khai lúc nào nên không cấp”. Tuy nhiên, ông này cho rằng, việc để các khu đất trống này được trông giữ xe “xuất phát từ nhu cầu thực tế, nếu để đất trống sẽ phát sinh tệ nạn, đổ phế liệu, chất thải. Nhu cầu gửi xe của người dân là có thật, có cầu nên phải có cung. Cho giữ để có tiền cho những người trông giữ bãi”.
Lãnh đạo này nói thêm: “Nếu cấp phép thì phát sinh thuế má... không đủ chi phí để chi trả người trông giữ bãi đất”, nhưng cũng cho biết, sau khi có thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197, Q.Cầu Giấy đang lên kế hoạch rà soát các bãi gửi xe, bãi nào cần thiết thì giữ lại, không cần thiết thì xóa bỏ.
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội, cho biết HĐND TP đang thực hiện đợt giám sát với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trông giữ xe kéo dài từ 15.1 đến 25.2. Qua khảo sát, các công ty trông giữ xe đã có tuân thủ các vấn đề về biển báo, công khai giá vé... Tuy nhiên xuất hiện một số bãi xe thuộc các dự án, khu đất trống chưa triển khai xây dựng, các bãi xe tự phát tại một số tuyến phố hoặc các điểm không thuộc phạm vi được thu giá mới nhưng vẫn thu...
Theo ông Quân, đoàn kiểm tra cũng đã kiến nghị ngay với Thường trực HĐND TP để đề nghị UBND TP lập 5 tổ kiểm tra liên ngành chấn chỉnh công tác trông giữ phương tiện.
“Để chấn chỉnh tình trạng trông giữ trái phép, quan trọng nhất chính là trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy địa phương từ quận, huyện, phường xã, không chỉ tăng cường đôn đốc mà phải xử phạt nghiêm mới đủ sức răn đe. Mấu chốt nhất là phải thường xuyên kiểm tra, và xử phạt thật nghiêm, không thể thực hiện nửa vời”, ông Quân khẳng định.
|
Tồn tại vì phải chung chi
Gần 1 tháng sau khi UBND Q.1 phát văn bản do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) ký, yêu cầu UBND 10 phường trên địa bàn giải tỏa trắng các bãi giữ xe không có giấy phép, nhiều bãi giữ xe ở khu vực trung tâm Q.1 vẫn ngang nhiên hoạt động.
Chiều 1.2, chúng tôi chạy xe máy đến đường Phan Chu Trinh (gần chợ Bến Thành, P.Bến Thành, Q.1). Đây là một trong những điểm giữ xe không phép “lì” nhất Q.1, vì Báo Thanh Niên nhiều lần phản ánh nhưng vẫn hoạt động công khai. Vừa dừng xe, chúng tôi được 2 người đàn ông vẫy tay hướng dẫn chạy lên vỉa hè. Một người ghi biển số xe của chúng tôi ở mặt trắng phía sau phiếu giữ xe, mặt trước có in sẵn “Phiếu giữ xe gắn máy, số xe, đặc điểm, ngày, tháng, năm” thì để trống. Ghi phiếu xong, người này yêu cầu chúng tôi đưa 10.000 đồng. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có cả trăm xe được xếp thành hai hàng dài trên vỉa hè. Ba người đàn ông ở đây liên tục dắt xe của khách ra vào, mỗi xe máy phải trả 10.000 đồng/chiếc.
15 phút sau, chúng tôi quay lại lấy xe thì một người đàn ông khác nhận phiếu rồi hỏi “đưa tiền chưa”. Chúng tôi nói: “Đưa rồi. Mới vô là anh kia lấy 10.000 đồng rồi”. Ông này nghe xong thì xé vụn phiếu giữ xe rồi thả xuống vỉa hè, nói: “Đất ở đây nó vậy. Có cái chỗ cho mình để xe thì cũng phải chung nhiều. Thời gian này trật tự đô thị làm dữ nên cũng phải chi nặng lắm. Phải lo ở phường, chi cho phường chứ đâu phải ai muốn giữ xe ở đây cũng được”. Thấy chúng tôi gật gù, ông này bồi thêm: “Người ta đến chợ Bến Thành đâu có chỗ để xe nên phải mang ra đây. Chứ giữ bên công viên 23.9 thì đi bộ xa, còn bên Bệnh viện đa khoa Sài Gòn thì không có chỗ để, hoặc chen chúc trong đó trầy xe hết”.
Chiếm cả vỉa hè để giữ xe
Trước đó, khoảng 15 giờ cùng ngày, chúng tôi đến 2 bãi giữ xe rộng hàng trăm mét vuông ở đường Tôn Thất Thiệp (P.Bến Nghé) và ghi nhận cả 2 vẫn hoạt động nhộn nhịp. Bên trong các bãi này có hàng nghìn xe máy dựng la liệt. Chúng tôi dắt xe vào trong thì được nhân viên ở đây hướng dẫn "nhét" xe làm sao tiết kiệm diện tích tốt nhất có thể. Trên vé xe mà nhân viên đưa cho chúng tôi không có in tên công ty, tổ chức nào mà chỉ có: “Phiếu gửi xe máy, số xe, ngày, tháng năm” rồi in hình... búp sen và chữ Thu Trang. Gửi khoảng 10 phút, chúng tôi vào lấy xe và phải trả 7.000 đồng.
Tiếp đó, chúng tôi đến gửi xe ở một bãi xe trên đường Huỳnh Thúc Kháng (góc Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Đạm, P.Bến Nghé). Bên trong bãi có hàng nghìn xe máy; thậm chí các lối ra vào bãi cũng bị xe máy nêm chặt. Nhiều khách sau khi gửi xe quay lại thì “khóc ròng” vì không biết làm sao để lấy xe ra. Vé xe ở bãi này cũng không ghi đơn vị hay tổ chức nào mà chỉ ghi “Phiếu giữ xe, số xe, đặc điểm” và con dấu đỏ nhòe nhoẹt to bằng ngón tay cái tên “UYEN”, đè lên con dấu này là con dấu đỏ hình chữ nhật khác in chữ “Song Lâm”. Sau khi lấy xe ra, một nhân viên thu của chúng tôi 10.000 đồng. Ngoài ra, bãi giữ xe này còn tận dụng vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng làm chỗ dựng xe cho khách hàng.
Đức Tiến
|
Bình luận (0)