5 bệnh ung thư thường gặp ở nam giới

12/01/2023 04:00 GMT+7

Ở Việt Nam, theo số liệu của Globocan (Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu), 5 loại ung thư mắc phổ biến hàng đầu ở nam giới gồm: gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến.

Hiểu biết về những bệnh ung thư, cách phòng tránh và phát hiện sớm là rất cần thiết.

Khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm tầm soát theo chỉ định có thể giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm

shutterstock

Ung thư gan

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ung thư gan khởi phát từ các tế bào của gan, là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở VN. Các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan bao gồm: viêm gan vi rút (viêm gan B hoặc C), xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh xơ gan mật nguyên phát, các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, béo phì, đái tháo đường thể 2, nhiễm độc aflatoxins.

Trên thế giới, nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan là viêm gan B và viêm gan C mạn tính. Hai bệnh viêm gan này có thể lây truyền từ người sang người qua đường tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ. Do đó, ung thư gan có thể tránh được bằng cách: không sử dụng chung kim tiêm; quan hệ tình dục an toàn (chẳng hạn như sử dụng bao cao su); tiêm phòng viêm gan B (hiện nay chưa có vắc xin phòng viêm gan C). Nếu đã được chẩn đoán viêm gan B, C mạn tính, bạn cần điều trị để giảm lượng vi rút lưu hành trong máu, qua đó làm giảm nguy cơ ung thư gan.

Hạn chế sử dụng rượu là một cách để phòng tránh ung thư gan. Nghiện rượu có thể dẫn tới xơ gan, sau đó sẽ chuyển thành ung thư gan. Ngoài ra, thuốc lá là nguyên nhân không chỉ của ung thư gan mà còn là nguyên nhân của nhiều loại ung thư khác. Nếu nghiện thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư gan.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp bạn tránh béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ, qua đó giúp giảm nguy cơ mắc ung thư gan.

Một số xét nghiệm tầm soát cũng có thể giúp phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm, khi khối u còn nhỏ và dễ dàng điều trị hơn. Các xét nghiệm này nên được tiến hành trên những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan. Các xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm nồng độ AFP máu và siêu âm định kỳ 6 tháng một lần. AFP hay alpha-fetoprotein là một loại protein trong máu. Thông thường, ở người khỏe mạnh có một nồng độ nhỏ của AFP. Nhưng khi một người mắc các bệnh về gan, đặc biệt là ung thư gan thì chất này xuất hiện nhiều hơn trong máu. Do đó, xét nghiệm AFP có thể dự đoán một người có khả năng mắc ung thư gan hay không.

Ung thư tiền liệt tuyến

Tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến càng tăng, hầu hết được phát hiện ở nam giới trên 65 tuổi. Có một hoặc nhiều người thân mắc ung thư tiền liệt tuyến cũng là yếu tố nguy cơ.

Các trường hợp nên được sàng lọc về ung thư tiền liệt tuyến là: những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc tiền liệt tuyến ở mức trung bình; những người từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc ung thư tiền liệt tuyến, bao gồm những người có người thân trong 1 thế hệ (cha hoặc anh trai) được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến khi còn trẻ (dưới 65 tuổi); những người từ 40 tuổi có nguy cơ rất cao mắc ung thư tiền liệt tuyến là những người có nhiều hơn một người thân trong một thế hệ mắc ung thư tiền liệt tuyến khi còn trẻ.

Sàng lọc bằng xét nghiệm PSA máu (kháng nguyên tuyến tiền liệt). Tần suất khám sàng lọc phụ thuộc vào nồng độ PSA, tình trạng sức khỏe chung, nguyện vọng và nhu cầu của người bệnh.

Ung thư phổi

Ung thư phổi thường do phơi nhiễm hóa chất và các hạt trong không khí. Mặc dù hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu của ung thư phổi, nhưng không phải tất cả những người bị ung thư phổi đều là người hút thuốc.

Không phải tất cả các bệnh ung thư phổi đều có thể phòng ngừa. Nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách: không hút thuốc, tránh hít phải khói thuốc của người khác. Nếu đang hút thuốc, cần cai thuốc. Nên khám sàng lọc cho những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi.

Theo Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc sàng lọc được chỉ định cho những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao, bao gồm:

Nhóm 1 là người trong lứa tuổi 55 - 74, có tiền sử hút thuốc từ trên 30 bao/năm có thể hiện tại vẫn tiếp tục hút hoặc người đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua.

Nhóm 2 là những người từ 50 tuổi trở lên, có hút thuốc trên 20 bao/năm và có một trong các yếu tố nguy cơ như: tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi, mắc các bệnh phổi trước đó như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao…

Một số nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân không hút thuốc lá cho thấy ô nhiễm không khí cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày cũng là một loại ung thư thường gặp ở nam giới. Ở VN, ung thư dạ dày xếp hàng thứ ba trong số các bệnh ung thư cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Nhiễm vi khuẩn H.P (Helicobacter pylori) được xem là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Việc nhiễm vi khuẩn này trong thời gian dài có thể dẫn tới viêm teo dạ dày và những thay đổi tiền ung thư khác của lớp niêm mạc bao bọc bên trong lòng dạ dày. Do đó, điều trị nhiễm trùng H.P cũng như điều trị viêm dạ dày giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Béo phì và thừa cân cũng liên quan tới ung thư dạ dày. Cần duy trì cân nặng hợp lý để giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày cũng như một số bệnh lý khác.

Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên ở những người có chế độ ăn nhiều thực phẩm ướp muối, ăn ít trái cây. Cần tăng cường ăn nhiều trái cây và rau xanh, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối, các loại thịt chế biến sẵn hoặc các loại thực phẩm nướng.

Ở người hút thuốc lá, nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 2 lần so với người không hút thuốc. Không hút thuốc hoặc bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, cơ thể sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.

Ung thư đại trực tràng

Đây là ung thư khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư này bao gồm: thừa cân hoặc béo phì, lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt đóng hộp; nghiện rượu, thuốc lá; lớn tuổi, có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng.

Hầu hết ung thư đại trực tràng phát triển từ một polyp (khối u nhỏ phát triển bên trong lòng đại trực tràng). Do đó, tầm soát có thể giúp phát hiện sớm các ung thư đại trực tràng khi chúng còn nhỏ, chưa phát triển và có thể dễ dàng điều trị hơn. Mọi người nên bắt đầu tầm soát định kỳ ở tuổi 45. Việc tầm soát có thể được thực hiện bằng một xét nghiệm có độ nhạy cao là xét nghiệm phân hoặc nội soi đại trực tràng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.