Theo Bộ Y tế, bệnh cúm lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Hằng năm có khoảng 1 tỉ trường hợp mắc bệnh, bao gồm 3 - 5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong liên quan bệnh cúm.
![5 biểu hiện cúm trở nặng, cần đến ngay cơ sở y tế- Ảnh 1. 5 biểu hiện cúm trở nặng, cần đến ngay cơ sở y tế- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/6/tno-1-1738848816696238401071.jpg)
Các dấu hiệu bệnh cúm trở nặng cần nhập viện ngay
ẢNH: BỆNH VIỆN NHI T.Ư
Việt Nam năm 2024 ghi nhận gần 290.000 ca mắc cúm, 8 ca tử vong. Số mắc này giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca) nhưng số tử vong tăng 5 ca.
Bộ Y tế lưu ý, bệnh cúm thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Một chuyên gia về điều trị tích cực lưu ý, với những ca mắc cúm, có triệu chứng cúm cần đến ngay cơ sở y tế khi bệnh có triệu chứng nặng lên như: khó thở, tím tái, tức ngực, nhịp thở nhanh. Việc đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán, chỉ định điều trị và theo dõi sức khỏe, do một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nguy hiểm như phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.
Đặc biệt, cần lưu ý biến chứng nặng khi mắc cúm ở những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mạn tính đường hô hấp.
"Với người mắc cúm có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra", chuyên gia này lưu ý.
Với trẻ nhỏ, Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo 5 triệu chứng nặng cần được nhập viện ngay: sốt cao liên tục từ 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực hoặc đau cơ dữ dội; tím môi và đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.
Đeo khẩu trang nơi đông người
Để chủ động phòng chống cúm và bệnh đường hô hấp thường tăng cao trong mùa đông - xuân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vắc xin cúm.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Bình luận (0)