5 chiến thắng gây bất ngờ nhất trong lịch sử Oscar

09/02/2020 08:00 GMT+7

Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) - chủ nhân giải Oscar đã nhiều lần khiến giới mộ điệu, truyền thông và công chúng bàn tán, phẫn nộ bởi quyết định của mình.

Nhắc đến những chiến thắng bất ngờ, thậm chí gây sốc trong lịch sử 92 năm của Oscar, khó có thể liệt kê ra hết những gì mà AMPAS khiến giới mộ điệu, truyền thông và công chúng yêu điện ảnh kinh ngạc, bàn tán xôn xao.

Chỉ tính riêng hạng mục Phim hay nhất, bên cạnh những chiến thắng không thể bàn cãi, nhiều ứng cử viên đã làm cả thế giới phải đặt dấu chấm hỏi khi giành được tượng vàng cao quý. 5 bộ phim dưới đây nằm trong số những cái tên như thế.

Oscar 1942: How green was my valley xô ngã Citizen Kane 

Đã hơn nửa thế kế kỷ kể từ khi Citizen Kane bị How green was my valley đánh bại ở hạng mục Phim hay nhất trong sự ngỡ ngàng của đám đông. Sự kiện này vẫn được nhắc đi nhắc lại mỗi khi AMPAS lại có thêm một quyết định gây sốc khác. How green was my valley chưa bao giờ bị xem là một tác phẩm tệ song khi đặt lên bàn cân cùng với Citizen Kane, bộ phim này trở nên không đủ sức nặng để đấu lại “đứa con tinh thần” của đạo diễn Orson Welles. Dù người người đều cho rằng How green was my valley thiếu tầm vóc của một tác phẩm giành giải Phim hay nhất, kiệt tác do John Ford ngồi ghế đạo diễn vẫn được xướng tên.

How green was my valley không được đánh giá cao tại Oscar 1942 như đối thủ Citizen Kane dẫu phim cũng là một tác phẩm xuất sắc

Ảnh: Fox

Một số chuyên trang điện ảnh cho rằng nguyên nhân chính nằm ở câu chuyện đằng sau Citizen Kane chứ không phải do AMPAS “thiếu tỉnh táo”. Tác phẩm của đạo diễn Orson Welles lấy cảm hứng từ hình tượng “ông trùm báo in” William Randolph Hearst - một trong những nhân vật quyền lực và giàu có bậc nhất nước Mỹ thời bấy giờ. William Randolph Hearst đã tìm mọi cách để ngăn việc Citizen Kane được phát hành vì lo sợ hình ảnh của mình sẽ bị ảnh hưởng, méo mó trong mắt công chúng.

Citizen Kane đến nay vẫn là một trong số những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood

Ảnh: RKO Pictures

Tuy nhiên, tác phẩm sau đó vẫn được trình làng và nhận được lời khen từ giới mộ điệu. Điều này khiến “ông trùm” này không vừa mắt và để xoa dịu nỗi phẫn nộ của nhân vật máu mặt này, Citizen Kane không được xướng tên là người chiến thắng. Thời gian đã đền đáp xứng đáng cho Citizen Kane bởi trong hơn 70 năm qua, tác phẩm luôn đứng nhóm đầu trong hầu hết các cuộc bình chọn về những bộ phim hay nhất lịch sử điện ảnh.

Oscar 1977: Rocky vượt mặt Taxi driver và All the President's Men

Hạng mục Phim hay nhất tại Oscar 1977 được đánh giá là 1 đường đua khốc liệt thực sự khi quy tụ nhiều kiệt tác điện ảnh. Trong đó nổi lên 2 ứng viên xuất sắc nhất là All the President’s men - siêu phẩm được đánh giá là một trong những bộ phim chính trị hay nhất mọi thời đại xoay quanh vụ bê bối Watergate, Taxi driver - một trong 100 tác phẩm hay nhất mọi thời đại do Viện phim Mỹ bình chọn. Rocky, bộ phim quyền anh nhận “mưa lời khen” từ khán giả cùng giới mộ điệu, cũng được đánh giá cao nhưng bị nhận xét nhạt nhòa và kém xa hai cái tên còn lại. Thậm chí, nhiều ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng tác phẩm không đủ tầm để đặt cạnh All the President’s men của Alan J. Pakula và Taxi driver do Martin Scorsese cầm trịch.

Sylvester Stallone cùng 2 nhà sản xuất Irwin Winkler và Robert Chartoff  lên nhận giải Phim hay nhất ở Oscar 1977

Ảnh: Getty

Thế rồi, Rocky lại được xướng tên ở hạng mục được mong đợi nhất mỗi mùa Oscar. Đây được xem là một trong những kết quả gây thất vọng nhất lịch sử các tác phẩm thắng giải Phim hay nhất. Thành công tại Oscar cùng doanh thu khổng lồ từ phòng vé đã khiến Rocky sản sinh ra 7 phần phim tiếp theo trải dài hơn 40 năm qua, góp phần làm nên tên tuổi lừng lẫy của Sylvester Stallone.

Oscar 1991: Dances with Wolves đánh bại Goodfellas

Dances with Wolves do Kevin Costner cầm trịch lép vế hơn hẳn khi đặt cạnh Goodfellas của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese. Tác phẩm sở hữu cốt truyện đi theo lối “white savior” (những phim “anh hùng hóa” nhân vật da trắng, biến họ thành những “đấng cứu thế” hay “vị cứu tinh” giúp người da màu thoát khỏi hiểm nguy, lầm than). Trong khi đó, Goodfellas lại vượt trội hơn hẳn, phim được ca ngợi là một trong những tác phẩm gangster hấp dẫn nhất mọi thời đại. Dưới bàn tay nhào nặn của “quái kiệt” Martin Scorsese cùng diễn xuất đỉnh cao của Robert De Niro và dàn sao tuyệt vời, nhiều ý kiến cho rằng chẳng có lý do gì Goodfellas không nhận được cái gật đầu từ AMPAS ở hai hạng mục lớn này.

Kevin Costner với hai tượng vàng Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất dù Dances with Wolves của ông không được kỳ vọng cao như Goodfellas của Martin Scorsese

Ảnh: WireImage

Thế rồi Dances with Wolves thắng đậm ở giải Đạo diễn xuất sắc nhất lẫn Phim hay nhất. Kết quả này gây ra không ít tiếc nuối, hụt hẫng và thất vọng từ công chúng yêu điện ảnh. Nhiều người chua chát thừa nhận rằng không phải tác phẩm nào nhận giải Phim hay nhất cũng thành kinh điển. Trong khi đó, không ít người tiếc nuối thay cho Martin Scorsese khi ông một lần nữa lỡ hẹn với tượng vàng đạo diễn.

Goodfellas khiến Martin Scorsese lần nữa lỡ hẹn với tượng vàng Oscar

Ảnh: Warner Bros.

Bản thân nhà làm phim lừng danh này sau đó có thêm ít lần lỡ hẹn với giải Oscar dành cho đạo diễn trước khi chạm tay vào chiếc cúp này ở mùa giải lần thứ 79 với phim The Departed. Ở Oscar 2020, Martin Scorsese cũng lại gia nhập đường đua với “ngựa chiến” The Irishman, đưa ông trở thành đạo diễn còn sống nhận được nhiều đề cử nhất tại Oscar.

Oscar 1999: Shakespeare in Love thắng lớn trước Saving private Ryan

Chiến thắng của Shakespeare in Love hạng mục Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 71 được trang What Culture nhận xét là “trò đùa của năm 1999”. Chưa cần bàn tới 6 hạng mục chiến thắng khác, việc tác phẩm của đạo diễn John Madden được xướng tên ở giải thưởng nói trên đã đủ khiến nhiều người tranh cãi, bàn tán xôn xao.

Shakespeare in Love gây sốc ở Oscar 1999 với loạt chiến thắng không thực sự thuyết phục công chúng

Ảnh: Shutterstock

Giới mộ điệu phải đồng ý rằng so với Saving private Ryan của đạo diễn Steven Spielberg, Shakespeare in Love thực sự không nổi bật bằng. Phim khiến khán giả say mê với những yếu tố hài hước, sự lãng mạn khó cưỡng cùng những hình ảnh được xây dựng một cách lung linh. Thế nhưng, tác phẩm lại thiếu hụt sự sắc sảo, tầm vóc nghệ thuật không phải ai cũng đủ sức cảm nhận - thứ mà Saving private Ryan cùng nhiều bộ phim xuất sắc khác có được. Thậm chí, so với 3 ứng cử viên còn lại của năm đó (không tính Saving private Ryan), Shakespeare in Love từng là cái tên chỉ được xem như “kẻ lót đường”.

Saving private Ryan được đánh giá cao hơn hẳn người chiến thắng Oscar năm đó

Ảnh: Paramount

Thế nhưng, việc tác phẩm này thắng đậm ở Oscar 1999 không phải không có lý do. Một trong những nhà sản xuất đứng đằng sau bộ phim là Harvey Weinstein - nhà làm phim khi ấy vẫn được cả Hollywood trọng vọng, xem như “ông trùm” của kinh đô điện ảnh. Đáng nói, ông có chiến thuật chạy đua giải Oscar vô cùng tinh vi, hiệu quả và Shakespeare in Love cũng không nằm ngoài sự toan tính, mưu mô đó. Truyền thông Hollywood từng đưa tin Harvey Weinstein đã ném rất nhiều tiền để quảng bá cho “đứa con tinh thần”, trải đường giúp bộ phim tạo nên một trong những cú sốc khó ai chấp nhận nổi trong lịch sử lễ trao giải.

Oscar 2006: Crash đè bẹp Brokeback Mountain

Dàn diễn viên Crash lên nhận giải Oscar cho Phim hay nhất trong sự ngỡ ngàng của nhiều người

Ảnh: Getty

Trước khi sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 78 sáng đèn, Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An được dự đoán sẽ cầm chắc chiếc tượng vàng Phim hay nhất bởi không có đối thủ nào đọ lại. Ngoài ra, bộ phim đề tài đồng tính nam này cũng “bội thu” hàng loạt giải thưởng danh giá trước đó, bao gồm cả Quả cầu vàng. Thế rồi đến khi tên của tác phẩm chiến thắng được đọc lên và không phải là Brokeback Mountain, nhiều người ngỡ ngàng, không kịp định tần trước màn lên ngôi của Crash. Tác phẩm tâm lý này chưa từng được đánh giá sẽ là chủ nhân của tượng vàng Phim hay nhất bởi ngày từ khi ra mắt, phim đã không thực sự chinh phục giới chuyên môn cũng như khán giả. Bằng chứng là Crash vấp phải hàng loạt ý kiến từ khen ngợi đủ đường đến chê bai không lối thoát.

Brokeback Mountain - tác phẩm hiếm hoi của nhà làm phim châu Á xuất hiện ở Oscar, gây tiếc nuối vì không thể chạm đến tượng vàng

Ảnh: Focus Features

Sau chiến thắng khiến nhiều người ngỡ ngàng, AMPAS đã hứng chịu cơn phẫn nộ ngút trời từ những khán giả trung thành của Brokeback Mountain. Các fan của tác phẩm cho rằng việc bộ phim do Lý An cầm trịch vuột mất tượng vàng Oscar cao quý là do các thành viên của AMPAS có tư tưởng cổ hủ, bài xích trước một tác phẩm chủ đề nhạy cảm nhưng đầy đột phá này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.