5 cô gái 'xuống tóc' tình nguyện vào bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

28/08/2021 08:21 GMT+7

Những cô gái dũng cảm đã quyết định 'xuống tóc' khi bước vào hành trình tình nguyện tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở TP.HCM.

Sáng 27.8, 5 cô gái tình nguyện kết thúc một đêm làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức), lên xe trở về điểm tập kết.

Học được nhiều điều ở bệnh viện dã chiến

Về đến nơi tập kết là Nhà thiếu nhi TP.Thủ Đức (Q.9 cũ), 5 cô gái dường như bỏ lại sau lưng những mệt mỏi, ai nấy đều vui đùa, tràn đầy năng lượng như chưa từng trải qua một đêm thức trắng nào.
Trần Ngọc Bích Phương (thành viên nhóm), hiện là học viên Trường trung cấp nghề Arena Multimedia, chia sẻ cả nhóm âm thầm giấu gia đình đăng ký làm tình nguyện chống dịch Covid-19, nhưng sau đó đều được người thân ủng hộ tuyệt đối.

Nhóm 5 cô gái thân thiết khi tham gia chống dịch

NVCC

Ban đầu, các cô gái này chỉ là những người xa lạ. Như một cái duyên, họ được sắp ở chung phòng rồi trở nên thân thiết như một gia đình. 
Tại bệnh viện dã chiến, 5 cô gái hầu như làm tất cả mọi chuyện như vệ sinh, thay tã, cho bệnh nhân ăn, lau sàn nhà và những công việc không tên khác.
"Lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ nhưng nhờ sự hướng dẫn của anh chị đi trước mà chúng tôi đã thuần thục hơn. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến, góp phần giúp giảm tải cho đội ngũ y bác sĩ”, Phạm Thị Thùy Trang (25 tuổi, thành viên trong nhóm) chia sẻ.

Nhờ đi tình nguyện mà 5 cô gái xa lạ lại trở nên thân thiết với nhau hơn

Bích Phương thú nhận, khi đi chống dịch, cô cảm nhận được nhiều thứ hơn trong cuộc sống này. Giờ đây, cô đã biết cách chăm sóc bệnh nhân, giặt giũ, vượt qua nhiều chuyện tế nhị khi thay tã cho bệnh nhân.

"Xuống tóc" để bảo vệ bản thân và bệnh nhân

Tham gia chống dịch lần này, những cô gái không ngờ mình có nhiều quyết định mà trước kia chưa từng nghĩ tới. Đó là cắt đi mái tóc dài. “Thường con gái tóc dài khi mặc đồ bảo hộ rất vướng. Để bảo vệ bản thân không bị lây nhiễm chéo nên bọn em quyết định cắt đi mái tóc”, tình nguyện viên Nguyễn Trần Ngọc Lan (21 tuổi, làm bảo mẫu một trường mầm non) lý giải.
Thế rồi 4 trong 5 cô gái nhờ sư cô cắt đi mái tóc trong những ngày đầu mới vào bệnh viện dã chiến. “Lúc mới cắt xong, bọn em nhìn vào gương thấy lạ lạ, buồn một xíu rồi cũng vui lại. Với lại đi chống dịch không cần xấu đẹp nữa. Nó không quan trọng. Giờ quan trọng là lo tính mạng của mình và cho mọi người thôi”, Thùy Trang chia sẻ.

Những ngày đầu vào viện, những cô gái quyết định hy sinh mái tóc của mình

"Nhớ lần hứa đọc kinh cho cô Bảy"

Tại bệnh viện dã chiến, các cô gái đã có nhiều kỷ niệm không thể quên, trong đó, không thể không kể đến những lần chăm sóc bệnh nhân.
Trong những dòng nhật ký trên Facebook, thành viên trong nhóm Lê Thị Đài Trang, sinh viên Trường trung cấp tổng hợp Đông Nam Á, ghi chép lại mỗi ngày trong hành trình làm tình nguyện. “Tôi nhớ nhất là lần hứa đọc kinh cho cô Bảy nhân dịp tháng 7 Vu Lan. Nhưng hôm sau cô yếu, phải cắm ống thở. Khi tôi vào cầm tay cô thì cô đã không cử động được nữa. Rồi tôi đọc kinh cho cô nhưng tôi biết cô vẫn còn nghe. Đến hôm sau thì cô ra đi”, Trang kể lại.

Những câu chữ vui nhộn được viết trên lưng các cô gái

Dù gặp nhiều chuyện buồn, nhưng các cô gái làm tình nguyện vẫn luôn mong muốn mang điều tích cực đến với bệnh nhân. Khi đi đâu, chăm sóc ai, họ đều tạo sự vui vẻ và chọc cười bệnh nhân.
Đối với Phương, Trang hay Lan thì một tháng làm tình nguyện ở bệnh viện dã chiến đã dạy cho họ sự trưởng thành, lòng can đảm và biết nhẫn nhịn nhiều thứ.
“Tôi muốn gửi gắm đến những bạn trẻ rằng còn sức khỏe thì nên cống hiết hết mình với việc tình nguyện. Bởi thanh xuân sẽ không bao giờ trở lại lần nữa. Chuyến đi này đối với chúng tôi là được hơn là mất”, Đài Trang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.