5 dấu hiệu ‘tố cáo’ bạn có thể bị ung thư ruột kết

02/03/2022 00:08 GMT+7

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ung thư ruột kết và trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở Mỹ và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

"Đó là một căn bệnh mà các tế bào trong ruột kết hoặc trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát. Đôi khi nó được gọi tắt là ung thư ruột kết… Đôi khi các khối u bất thường, được gọi là polyp, hình thành trong ruột kết hoặc trực tràng. Theo thời gian, một số polyp có thể chuyển thành ung thư.

Các xét nghiệm sàng lọc có thể tìm thấy các polyp để chúng có thể được loại bỏ trước khi chuyển thành ung thư. Tầm soát cũng giúp phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, lúc này việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất", theo CDC Mỹ.

Bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng Jeremy Lipman cho biết: “Những bệnh ung thư này rất nghiêm trọng nhưng cũng có thể phòng ngừa được”.

Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo ung thư ruột kết, theo Eat This, Not That!

1. Buồn nôn và nôn mửa

Theo Johns Hopkins Medicine, buồn nôn và nôn mửa có thể là dấu hiệu của ung thư ruột kết.

Johns Hopkins Medicine cho biết: "Buồn nôn và nôn mửa có thể xảy ra nếu một khối u ruột kết hoặc trực tràng đang cản trở ruột và ức chế sự lưu thông của chất thải lỏng hoặc rắn hoặc khí. Tắc ruột cũng có thể kèm theo đau quặn bụng, chướng bụng và táo bón… Nếu bạn cảm thấy buồn nôn dai dẳng, có dấu hiệu mất nước hoặc nôn mửa kéo dài hơn 24 giờ, hãy đi khám ngay lập tức".

2. Đau bụng

Bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng David Liska cho biết: “Đau bụng không phải là một triệu chứng rất phổ biến liên quan đến ung thư đại trực tràng, nhưng nó có thể xảy ra”.

"Vì vậy, nếu bạn bị đau bụng, rồi lại đau bụng, liên tục trong một khoảng thời gian, thì cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay”, bác sĩ Liska lưu ý.

3. Chảy máu trực tràng

Chảy máu trực tràng có thể xảy ra vì những lý do khác ngoài ung thư ruột kết, nhưng vẫn nên được bác sĩ kiểm tra để loại trừ bất cứ điều gì nguy hiểm.

"Nếu bất kỳ ai có bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đi tiêu, nếu đi tiêu bị chảy máu - ngay cả khi họ nghĩ đó là bệnh trĩ và nó không biến mất - thì cần đi nội soi", Vikram Reddy, tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng cho biết.

4. Thay đổi trong thói quen đại tiện

Những thay đổi trong thói quen đi tiêu - ví dụ, phân bất thường - cần được xem xét một cách nghiêm túc.

"Ngay cả khi bạn đang ở độ tuổi 20 hay 30, bạn cũng nên đi kiểm tra nếu bạn bị chảy máu trực tràng, nếu bạn có bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đi tiêu, bất kỳ thay đổi nào về sự thèm ăn (như cảm thấy "no" sớm), giảm cân hoặc đau bụng không rõ nguyên nhân", Haddon Pantel, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng ở Yale Medicine, cho biết.

5. Mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân

Không nên bỏ qua tình trạng sụt cân không rõ nguyên nhân và mệt mỏi, vì chúng đều là những triệu chứng có thể có của ung thư ruột kết.

Bác sĩ David Richards cho biết: “Giảm cân đột ngột và không rõ nguyên nhân, chảy máu trực tràng hoặc máu trong phân. Tôi sẽ đặc biệt lo lắng nếu những triệu chứng này xuất hiện đột ngột".

Theo Johns Hopkins Medicine, “Tiêu chảy kéo dài có thể gây sụt cân. Đau dạ dày và buồn nôn có thể làm giảm cảm giác thèm ăn khiến bạn không tiêu thụ đủ thức ăn để duy trì cân nặng. Tất cả những vấn đề này, cũng như thiếu máu, có thể dẫn đến suy nhược".

6. Khi nào nên đi bác sĩ khám?

Shutterstock

Bác sĩ khuyên bạn nên kiểm tra thường xuyên ở độ tuổi trên 45

Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về bệnh ung thư ruột kết, hãy tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia y tế càng sớm càng tốt.

Phòng khám Cleveland khuyên bạn nên kiểm tra thường xuyên ở độ tuổi trên 45, vì có thể ngăn ngừa hoặc điều trị thành công 85% ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện kịp thời thông qua nội soi thường xuyên.

Tiến sĩ Lipman cho biết: “Nhìn chung, ung thư đại trực tràng có khả năng phòng ngừa cao và nếu được phát hiện sớm, đây cũng là một trong những loại ung thư có thể chữa khỏi cao nhất”, theo Eat This, Not That!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.