5 dự án điện mặt trời chuyển tiếp đã phát điện lên lưới

31/05/2023 15:20 GMT+7

Trong số 40 dự án điện tái tạo đã đàm phán xong giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công thương, cập nhật đến ngày 31.5, đã có 5 nhà máy điện mặt trời chính thức hòa lưới.

Thông tin từ Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), đến nay đã có 5/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành các thủ tục công nhận vận hành thương mại (COD), bán điện với mức giá 50% giá trần.

Trong đó, có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại một phần hoặc toàn nhà máy, với tổng công suất 216,22 MW. Cụ thể, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3, Trung Nam và 114 MW còn lại của nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 2.

Như vậy, đợt này, có 330 MW điện mặt trời hòa lưới vận hành thương mại.

5 dự án điện mặt trời chuyển tiếp đã phát điện lên lưới - Ảnh 1.

Mới có 5 dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời) hòa lên lưới điện

Đ.N.T

Ngoài ra, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 48 dự án với tổng công suất 2.691,611 MW, đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá tại Quyết định số 21 ngày 7.1.2023 của Bộ Công thương. 

EVN cho biết, Công ty Mua bán điện và các chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 40/48 dự án. Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công thương xem xét, thông qua đối với 40/48 chủ đầu tư dự án năng lượng chuyển tiếp đề xuất giá tạm này.

Như vậy, nếu được Bộ Công thương xem xét và duyệt đồng ý giá tạm toàn bộ dự án điện tái tạo đã hoàn tất đàm phán giá tạm, trong thời gian tới, sẽ có hàng chục dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được đẩy điện lên lưới với mức giá bán điện sẽ tạm tính bằng phân nửa mức giá trần của Quyết định 21. 

Ngoài ra, dữ liệu cập nhật đến tối 30.5 cũng cho thấy, trong 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, có 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 20 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Báo cáo về tình hình thực hiện COD của 48 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất giá tạm, EVN cũng cho biết, hầu hết các hồ sơ đều thiếu một số thủ tục. Chủ yếu thiếu biên bản thử nghiệm tin cậy, biên bản chốt chỉ số công tơ COD, giấy phép hoạt động điện lực, quyết định gia hạn chủ trương đầu tư… Đặc biệt, có một số dự án đang thiếu toàn bộ hồ sơ COD như: nhà máy điện gió số 3, số 5 Sóc Trăng; điện gió Thanh Phong, điện gió Đắk N'Drung 2 và 3; nhà máy điện gió số 19, 20 Bến Tre, điện gió Hải Anh, Phong Điện 1 Bình Thuận giai đoạn 2…



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.