5 giờ xuyên đêm nối bàn tay đứt gần lìa

28/06/2022 16:50 GMT+7

Nam bệnh nhân N.T.Đ, 32 tuổi, ở Đồng Nai, nhập viện cấp cứu trong tình trạng bàn tay trái bị đứt gần lìa, đứt gân, cơ, mạch máu, thần kinh và mất nhiều máu.

Ngày 28.6, BS.CKI. Vi Văn Dương, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện ĐKQT Nam Sài Gòn - cho biết ngay trong đêm tiếp nhận bệnh nhân, đánh giá nguy cơ bàn tay sẽ không thể phục hồi nếu không xử lý kịp thời, ê kíp đã kích hoạt khẩn cấp quy trình báo động đỏ để kịp thời gian vàng điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nhanh chóng được ê kíp thăm khám, hồi sức tích cực, truyền máu, giảm đau, sơ cấp cứu bảo quản lại bàn tay bị đứt. Sau khi hồi sức, truyền máu, truyền dịch, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối tay cho bệnh nhân.

Sau hơn 5 giờ ca phẫu thuật đã thành công.

Sau phẫu thuật 3 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Bàn tay bệnh nhân đã hồng hào, có thể nhúc nhích nhẹ các đầu ngón tay. Sau hậu phẫu, bệnh nhân bước vào giai đoạn vật lý trị liệu, kết hợp với các hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ để hồi phục vận động.

Bàn tay của bệnh nhân sau khi được nối

bscc

BS.CKI. Vi Văn Dương chia sẻ, may mắn khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong thời gian vàng. Do đó, chưa đầy 1 giờ nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật. Đứt lìa bàn tay là một ca bệnh phẫu thuật với các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, kinh nghiệm về phẫu thuật vi phẫu.

Bác sĩ Dương khuyến cáo nếu gặp trường hợp đứt lìa hay gần lìa tay chi thể, bệnh nhân cần phải làm sạch vết thương, nước muối sinh lý nếu có, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại và bảo quản trong môi trường lạnh phần chi đứt lìa. Sau đó, cần chuyển gấp bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt. Nếu phần chi thể được bảo quản đúng và tiến hành phẫu thuật sớm thì tỷ lệ thành công sau mổ sẽ cao hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.