5 kiến nghị về chính sách cho công nhân kỹ thuật bậc cao gửi Thủ tướng

02/05/2019 17:29 GMT+7

Xây dựng chính sách hỗ trợ về tiền lương, nhà ở, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho công nhân kỹ thuật bậc cao …là kiến nghị của người lao động gửi Thủ tướng trước cuộc gặp gỡ với công nhân ngày 5.5 tại TP.HCM.

Ngày 2.5, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) cho biết, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân lao động kỹ thuật cao sẽ diễn ra vào ngày 5.5 tới tại TP.HCM với chủ đề: “Công nhân, lao động kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước”.
Tham dự chương trình có khoảng 400 công nhân kỹ thuật bậc cao của 16 ngành từ 7 tỉnh và thành phố trong cả nước.
Chương trình sẽ xoay quanh những nhóm vấn đề chính, như: chính sách của doanh nghiệp, địa phương đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân lao động đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân.
Bên cạnh đó, đại diện người lao động sẽ bày tỏ tâm tư nguyện vọng trong công việc để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương và đất nước, những đề xuất để làm sao nâng cao tay nghề, kỹ năng trước thách thức của công nghệ 4.0.
Theo Tổng LĐLĐVN, đến thời điểm này, có 5 nhóm ý kiến của người lao động đã được tổng hợp gửi Thủ tướng. gồm:
Thứ nhất, xây dựng chính sách hỗ trợ công nhân kỹ thuật cao về lương tối thiểu vùng dành cho công nhân các ngành kỹ thuật cao về nhà ở, các tiện ích phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ vay vốn để tăng thu nhập, tạo lập nhà ở, nhà trẻ và thời gian giữ trẻ cho con công nhân, khám chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân.
Thứ hai, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ lạc hậu lên công nghệ máy móc hiện đại để công nhân có thể tăng năng suất, tăng thu nhập;cấm nhập khẩu các máy móc, công nghệ lạc hậu khi các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người lao động.
Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách tiền lương, phụ cấp đối với lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao, ngành nghề kỹ thuật cao, tạo điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề kỹ thuật cao thông qua chính sách hỗ trợ đồng hành cùng Nhà nước.
Thứ ba, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, phát huy tính sáng tạo, tiềm năng của đội ngũ công nhân kỹ thuật cao như:  xây dựng trung tâm hỗ trợ công nhân lao động nghiên cứu, sáng tạo; khi thành công có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có chuyển giao cho trung tâm khai thác trả phí cho tác giả như trung tâm hỗ trợ quyền tác giả.
Thứ tư, cần có quy định tạo điều kiện để phát huy dân chủ, tự do trong sáng tạo, có chính sách thiết thực để thúc đẩy thị trường khoa học - công nghệ, tạo công bằng trong việc hưởng thụ thành quả sáng kiến, phát minh giữa cá nhân, nhà nước và doanh nghiệp. Thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm về khoa học công nghệ thu hút mọi đối tượng có ý tưởng công nghệ vào nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, chế thử sản phẩm và thành lập doanh nghiệp.
Thứ năm, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, công nghệ cao với tầm nhìn dài hạn, nhất là chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nhân kỹ thuật cao.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường, chương trình đối thoại lần này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
“Công nhân kỹ thuật cao trong kỷ nguyên 4.0 là động lực trong phát triển đất nước, là đích hướng tới của người lao động. Trở thành công nhân kỹ thuật cao mình sẽ có đời sống cao sẽ có thu nhập cao, bên cạnh việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước, địa phương, của doanh nghiệp. Việc gặp gỡ này sẽ tạo sự lan tỏa và tạo động lực mới vươn lên để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên khoa học công nghệ chứ không phải chỉ là tài nguyên, không phải chỉ là lao động giá rẻ”, ông Cường nhấn mạnh.
Từ năm 2016 đến nay, chương trình đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất được tổ chức hàng năm vào Tháng Công nhân (tháng 5). Đây là dịp để người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề công việc, đời sống, vui chơi giải trí... của người lao động. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.