1. Không để hành tây chung với khoai tây
Nếu muốn khoai tây để được lâu hơn thì phải bảo quản ở nơi riêng biệt với củ hành tây. Cả khoai tây và hành tây đều sản sinh ra khí ethylene. Khí ethylene của loại này sẽ khiến loại kia mau chín và hỏng.
Để bảo quản tốt hành tây và khoai tây, hãy để chúng ở 2 bịch khác nhau rồi đặt ở nơi ít ánh sáng và mát mẻ.
2. Tránh để tỏi trong tủ lạnh
Một trong những cách bảo quản tỏi dễ hỏng nhất là đặt tỏi trong hộp kín rồi để vào tủ lạnh. Môi trường như vậy sẽ khiến tỏi dễ mọc mầm và kích thích nấm mốc phát triển.
Thay vào đó, hãy để tỏi ở những nơi khô ráo và tối. Giữ tép tỏi nguyên trong củ càng lâu càng tốt. Vì nếu tách tép tỏi ra và lột vỏ, tỏi sẽ sớm hỏng và không thể để lâu quá 1 tuần, theo MSN.
3. Ngâm gốc vào nước
Các loại thực vật thân cỏ được dùng làm rau như măng tây, húng quế, rau mùi tây sẽ tươi lâu hơn nếu cho gốc của chúng ngâm trong nước.
|
Mẹo đơn giản là hãy cắt gọn gốc sau khi mua về, gom lại thành bó và đặt vào một chiếc bình, ly có một ít nước bên dưới, sau đó mang đến nơi có đủ ánh sáng và tránh xa nhiệt độ cao. Nói cách khác, cách bảo quản này giống hệt cách chúng ta cắm hoa vào bình.
4. Bỏ ngay những trái táo hỏng
Điều tối kỵ khi bảo quản táo là không để những trái táo bị hỏng chung với những trái còn tươi. Khi chín, táo sẽ sản sinh ra khí ethylene. Khí ethylene có tác dụng kích thích những trái táo còn tươi khác mau chín. Điều này có nghĩa là chúng cũng sớm bị hỏng hơn.
5. Rửa quả mọng bằng giấm
Các loại quả mọng như việt quất, nho, dâu tây, mâm xôi rất tươi ngon nhưng thường mau hỏng. Để bảo quản được chúng lâu hơn, hãy rửa trong dung dịch giấm loãng với 1 phần giấm và 3 phần nước.
Sau khi rửa xong bằng nước giấm, quả mọng cần được để ráo trong vài phút rồi rửa kỹ lại bằng nước và cho vào tủ lạnh.
Khi rửa bằng giấm, mọi người không cần phải sợ sẽ làm quả mọng bị chua. Giấm có tác dụng diệt bớt vi khuẩn trên vỏ và hạn chế nấm mốc phát triển, theo MSN.
Bình luận (0)