5 năm, 3 di tích quốc gia ở Bình Định bị 'tác động' gây bức xúc

23/03/2022 21:56 GMT+7

Trong thời gian ông Tạ Xuân Chánh làm Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định có 3 di tích cấp quốc gia bị "tác động" gây bức xúc, gồm: di tích Chiến thắng Đèo Nhông, tháp Bánh Ít, tháp Đôi.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Bình Định có 3 di tích quốc gia bị tu bổ, tôn tạo không phù hợp, không đúng quy định hoặc khoan đục trái phép khiến nhiều người bức xúc.

Làm gần xong mới xin ý kiến Bộ VH-TT-DL

Sau hơn 3 năm kể từ khi được khởi công, dự án xây dựng, nâng cấp, tu bổ tôn tạo, di tích Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông (ở xã Mỹ Phong, H.Phù Mỹ, Bình Định) phải dừng lại giữa chừng để khắc phục các vi phạm, điều chỉnh dự án. Hiện di tích này có nhiều hạng mục hạ tầng đang thi công dang dở, xuống cấp.

Khu di tích địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông

Hoàng trọng

Dự án Nâng cấp, mở rộng và tu bổ tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 28.10.2016. Dự án có tổng vốn đầu tư 35,8 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2017 - 2019 (sau đó được điều chỉnh thời gian thực hiện thành 2017 - 2021, rồi tiếp tục điều chỉnh thành 2017 - 2022).

UBND tỉnh Bình Định giao UBND H.Phù Mỹ làm chủ đầu tư. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Phù Mỹ là đơn vị đại diện chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Một hạng mục tại khu di tích Đèo Nhông bị xuống cấp

hoàng trọng

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2018. Đến ngày 18.2.2020, UBND tỉnh Bình Định mới có tờ trình gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị thẩm định Dự án nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông. Ngày 19.3.2020, Bộ VH-TT-DL có văn bản thẩm định dự án này.

Đây là di tích cấp quốc gia nhưng công trình tu bổ, tôn tạo lại khởi công trước khi Bộ VH-TT-DL có văn bản thẩm định, thỏa thuận là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Tại sao cơ quan quản lý nhà nước về di sản trên địa bàn tỉnh Bình Định là Sở VH-TT và Bảo tàng tỉnh Bình Định (thuộc Sở VH-TT tỉnh Bình Định) không có ý kiến, không thực hiện trách nhiệm giám sát, kiểm tra, quản lý di tích?

Tháng 4.2021, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định có kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng dự án nói trên.

Theo kết luận thanh tra, việc chủ đầu tư dự án tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức mời thầu thi công xây dựng gói thầu hạ tầng kỹ thuật khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình là sai quy định. UBND H.Phù Mỹ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp và nhà thầu tư vấn giám sát đối với gói thầu nói trên là chưa phù hợp theo các quy định hiện hành.

Dự án triển khai thi công chưa đảm bảo điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng, cụ thể: triển khai thi công (kể cả phần điều chỉnh, bổ sung) thiếu hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục công trình, công trình đã được phê duyệt.

Nhiều hạng mục công trình phải điều chỉnh để phù hợp với ý kiến thẩm định của Bộ VH-TT-DL

hoàng trọng

Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cũng kiến nghị UBND H.Phù Mỹ phối hợp với các sở, ngành có liên quan, rà soát lại ý kiến thẩm định dự án của Bộ VH-TT-DL để đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh dự án đầu tư cho phù hợp.

Hiện chủ đầu tư dự án này đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý và các điều kiện khác để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Tháp Chăm bị khoan đục, xây dựng không phù hợp

Ngày 5.5.2019, cộng đồng mạng xã hội bất ngờ chia sẻ hình ảnh và phản ứng gay gắt việc tháp Đôi (ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (ở xã Phước Lộc, H.Tuy Phước) bị khoan đục vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng giới thiệu tên di tích, quảng bá điểm đến cho ngành du lịch Bình Định.

Nhiều người cho rằng việc khoan vào các viên gạch của những ngôi tháp hơn 1.000 năm tuổi để bắt vít, gắn chữ quảng bá du lịch rất mất thẩm mỹ, là hành vi xâm hại di tích.

Tháp Đôi bị xâm hại vào tháng 5.2019

hoàng trọng

Câu slogan gắn trên tháp Đôi

hoàng trọng

Theo Bảo tàng Bình Định, việc khoan đục, bắt vít vào các tháp nói trên do Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) thực hiện. Câu slogan gắn trên các tháp đã được xin góp ý của Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Sở VH-TT, riêng việc khoan, đục vào tháp là không xin ý kiến.

Sáng 6.5.2019, Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã cho tháo dỡ hệ thống sắt thép khoan đục vào tháp nói trên.

Khoan vào thân tháp để bắt ốc, vít

hoàng trọng

Đầu năm nay, quá trình thi công dự án Xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít (do Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư) cũng xuất hiện dư luận trái chiều, nhiều ý kiến không đồng tình về một số hạng mục trong thiết kế và biện pháp thi công tại các sân tháp. Trong đó, việc đưa máy đào thi công tại khu vực gần các tháp, việc xây bồn hoa quanh chân tháp bị phản ứng gay gắt.

Tháp Bánh Ít đang được tu bổ tôn tạo

bảo thoa

Hiện UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo tạm dừng các công việc liên quan đến các sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia của quần thể di tích tháp Bánh Ít, giao Sở Xây dựng phối hợp Sở VH-TT nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các việc xây dựng trên sân tháp, bỏ việc xây bồn hoa sát chân tháp mà dư luận không đồng tình…

Đối với dự án xây dựng nâng cấp, tu bổ tôn tạo, di tích Địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông, UBND H.Phù Mỹ đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan, xử phạt vi phạm hành chính đối với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Phù Mỹ… Còn đối với hành vi xâm hại 2 tháp Chăm nói trên, chưa một cá nhân, hay tập thể nào phải chịu trách nhiệm, Sở VH-TT tỉnh Bình Định chỉ xin rút kinh nghiệm!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.